Bên lề Quốc hội: Tạo động lực phát triển liên kết vùng

17:22' - 31/10/2018
BNEWS Bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) đã có những chia sẻ về hạ tầng giao thông được đầu tư hiệu quả sẽ tạo động lực phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An). Ảnh: TTXVN

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội, chất vất và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra là vấn đề đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm. 

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) đã có những chia sẻ về hạ tầng giao thông được đầu tư hiệu quả sẽ tạo động lực phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Là 1 trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam, mỗi năm các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng lúa; 65% lượng nuôi trồng thủy sản; 70% các loại trái cây của cả nước. Đây là khu vực chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu nông thủy sản lớn nhất Việt Nam, với 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy hải sản xuất khẩu.

Hiện nay, khoảng 80% hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải chuyển tiếp qua các cảng vùng Đông Nam Bộ. Phương thức vận tải chủ yếu bao gồm đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực này phát triển chưa theo kịp nhu cầu thực tế và còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) cho biết, trong những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, tuy nhiên thực trạng hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giao thông liên vùng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng; chủ yếu chỉ dựa vào tuyến độc đạo Quốc lộ 1 từ Cà Mau về Tp. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với 2 hệ thống sông chính là sông Tiền và sông Hậu, thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa.

Nhưng, hệ thống giao thông kết nối giữa đường thủy nội điạ với đường bộ, đường biển còn kém; tĩnh không một số cầu chưa đảm bảo yêu cầu, như cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai làm cản trở đến hoạt động vận tải hàng hóa của vùng.

Ngoài ra, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 6 luồng hàng hải và có 7 cảng biển. Tuy nhiên, năng lực thông qua cảng biển còn hạn chế, chỉ mới có thể tiếp nhận tàu có tải trọng từ 10.000 - 20.000 tấn.

Bên cạnh đó, trong vùng có 4 cảng hàng không đang khai thác; trong đó, có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc; 2 cảng hàng không nội địa là Rạch Giá và Cà Mau. Tuy nhiên, nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách qua đường hàng không còn thấp, chưa phát huy hết thế mạnh hiện có.

Theo dự báo của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trong vùng, ngày một tăng cao, giá thành chi phí vận tải hiện đang chiếm 60 - 65% chi phí logistics, trong chuỗi cung ứng logistics.

Do đó, đòi hỏi kết cấu hạ tầng giao thông của vùng, phải được quan tâm đầu tư cho tương xứng với vị trí, tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để khắc phục những bất cập này, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn kiến nghị, trước mắt Chính phủ cần tập trung phát triển hệ thống giao thông cao tốc, để tăng tính kết nối vùng, để giảm chi phí và thời gian vận chuyển.

Cụ thể, cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và tiến tới đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Song song đó, cũng cần hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên kết thông suốt các tuyến quốc lộ xuyên qua các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tuyến biên giới với Campuchia, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3, 4.

Bởi, đây là 2 trục động lực rất quan trọng, kết nối các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, mà không phải đi qua các trục xuyên tâm trong các khu vực đô thị, giảm thời gian vận chuyển và áp lực vận tải nội thành Tp. Hồ Chí Minh, kết nối các cảng biển được thuận lợi.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn cũng cho rằng, phải tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đường thủy, để góp phần giảm áp lực vận tải cho hệ thống đường bộ, điều này cũng là giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực.

Đồng thời, ưu tiên nâng cấp hoặc xây dựng mới các cầu có tĩnh không thấp, trong các hành lang đường thủy nội địa chính như trên sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; nạo vét các luồng đường thủy nội địa trong vùng, đảm bảo giao thông thông suốt. Ngoài ra, nghiên cứu cải tạo các luồng đường thủy kết nối Tp. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về lâu dài, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn kiến nghị, Chính phủ cần tập trung đầu tư hệ thống đường sắt, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư xây dựng các cảng biển, để nâng cao chuỗi giá trị logistics, góp phần giảm chi phí trong vận tải.

Trước hết, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ chế chính sách trong việc kêu gọi đầu tư cụm cảng Khu bến Cần Giuộc - Long An trên sông Soài Rạp có chức năng là khu bến vệ tinh của cảng đầu mối khu vực Tp. Hồ Chí Minh, tiếp nhận các tàu có tải trọng từ 20.000T - 50.000T và 70.000T, giảm tải qua cửa Soài Rạp.

Hiện tại, tỉnh Long An đã có Cảng Quốc tế Long An nằm trong khu bến vệ tinh, phục vụ xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa các tỉnh lân cận và Tp. Hồ Chí Minh.

Vị trí cảng Long An nằm trên nút giao, của các tuyến vận tải biển quốc tế, có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Do đó, ông Tuấn cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên xem xét các cơ chế khuyến khích đầu tư cho khu bến này, vì khu bến có thể chia sẻ áp lực cho các cảng ở Tp. Hồ Chí Minh và phục vụ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, để thực hiện các vấn đề trên, ngoài việc tập trung ưu tiên nguồn lực, kêu gọi đầu tư, thì cần có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, vì đây là những công trình, dự án cần nguồn lực rất lớn, mang tính vùng, liên vùng - một vài địa phương không thể thực hiện được - chưa nói đến việc liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng - liên vùng, hiện còn nhiều bất cập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục