Liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

15:08' - 05/05/2018
BNEWS Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, muốn liên kết phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trước hết cần phải có một thể chế vùng đủ quyền và đủ lực.

Sáng 5/5, tại thành phố Huế, Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phối hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung như: nhận diện lợi thế chung- riêng của từng địa phương trong vùng cũng như xem xét thế mạnh từng khu kinh tế, khu công nghiệp; xu hướng phân công phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ chốt, khả năng kết nối hình thành các chuỗi sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; cơ chế điều phối, huy động nguồn lực phát triển và những vấn đề cần kiến nghị Trung ương để tạo đột phá trong phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tiềm năng lợi thế các tỉnh miền Trung cơ bản là giống nhau, muốn tạo sự khác biệt, liên kết thì các tỉnh cần tạo ra những giá trị, lợi thế mới. Muốn liên kết phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trước hết cần phải có một thể chế vùng đủ quyền và đủ lực.
“Theo đó, cần để nhà đầu tư chất lượng chọn mình chứ không nên đưa ra những ưu đãi thiệt thòi để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành lập năm 2008, gồm 5 tỉnh thành: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, chiếm 8,45% diện tích cả nước với dân số vùng chiếm trên 7,0% dân số cả nước.

Hiện Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 4 khu kinh tế ven biển, bao gồm: Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) và 19 khu công nghiệp, chiếm 5,8% số khu công nghiệp được Thủ tướng cấp phép của cả nước và khoảng 45,2% số khu công nghiệp của 14 tỉnh miền Trung.

Không chỉ có điều kiện thuận lợi hình thành hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc-Nam, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Myanma, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương…
Để liên kết vùng đạt hiệu quả cao, ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt cho tất cả các địa phương.
Cùng chung quan điểm trên, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam) chia sẻ thêm, khi có cơ sở hạ tầng tốt, 5 tỉnh có chung đặc điểm bờ biển dài có thể cùng đầu tư ngành cảng, xây dựng cảng container và dịch vụ logistics phục vụ kinh tế, công nghiệp cho toàn vùng.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thành, hướng phân công ngành đã không còn khả thi với điều kiện kinh tế thay đổi như hiện nay. Các tỉnh nên dựa theo tình hình thị trường địa phương quyết định ngành kinh tế, công nghiệp cho tỉnh nhà và xây dựng kế hoạch gắn với năng lực cạnh tranh.
Tính đến năm 2016, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng thu hút hơn 1.200 dự án, với tổng vốn đầu từ ký hơn 500 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210 ngàn tỷ đồng và thu ngân sách khoảng 36-40 ngàn tỷ đòng.
Tuy các khu kinh tế, khu công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã tạo thêm được năng lực sản xuất mới nhưng vẫn chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nguồn thu ngân sách góp vào tăng trưởng kinh tế cho các địa phương còn thấp; sự phối hợp liên kết các địa phương của vùng chưa cao; còn chênh lệch về số dự án, vốn đầu tư, thu hút lao động giữa các địa phương; sự hợp tác còn mang tính hình thức và nhiều ý tưởng liên kết chưa được triển khai thành công.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục