Bến phà liên tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long và Đồng Tháp đã hoạt động trở lại

15:07' - 27/10/2021
BNEWS Từ 0 giờ ngày 27/10, các bến phà khách ngang sông liên tỉnh giữa Cần Thơ với Vĩnh Long, Đồng Tháp được phép hoạt động trở lại với tần suất bình thường.

Sau thời gian dài tạm dừng, các chuyến phà lại tiếp tục chạy đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các tỉnh, thành qua lại trên dòng sông Hậu.

Bến phà cô Bắc, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy nối với Vĩnh Long phục vụ chủ yếu cho công nhân, người làm việc ở khu chế xuất và cơ quan nhà nước. Tại bến phà sáng 27/10, nhiều hành khách được di chuyển bằng phà tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi bởi việc đi phà giúp rút ngắn quãng đường hơn so với đi đường bộ.

Thường xuyên lưu thông qua lại giữa Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, trong khoảng thời gian phà tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, anh Võ Trung Tính, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ phải di chuyển bằng đường bộ. Theo anh Tính, việc được di chuyển bằng phà nhanh và thuận tiện hơn so với đường bộ.

Dù theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh COVID-19" đã khá lâu, nhưng hôm nay em Lại Hà Phong, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long mới về quê thăm gia đình.

"Thấy thông tin đăng trên mạng, bến phà hoạt động trở lại em rất vui. Vì đi phà về nhà gần hơn và dễ hơn. Đi đường bộ xa và đường xấu, khó đi hơn", Hà Phong cho biết.

Trong 4 tháng tạm dừng hoạt động do yêu cầu phòng, chống dịch của địa phương, nay được quay trở lại với công việc cũng là niềm vui lớn của những lao động và người sử dụng lao động làm việc tại Bến phà Cô Bắc, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Dù vui mừng nhưng vẫn còn đó nỗi lo vì dịch bệnh diễn biến phức tạp khi Cần Thơ mới xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng trở lại.

Xen lẫn niềm vui là lo lắng, ông Nguyễn Văn On, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Bình An, quận Bình Thủy chia sẻ rất vui vì hợp tác xã được hoạt động trở lại nhưng nếu trong lao động không đảm bảo 5K hoặc phòng, chống dịch để ảnh hưởng sức khỏe người lao động, hoặc có ca nhiễm thì bến phà sẽ bị phong tỏa.

Đánh giá từ đại diện bến phà, lượng hành khách lưu thông qua phà ngày đầu phà hoạt động trở lại ít hơn so với trước đây. Tuy nhiên, được hoạt động trở lại, các chủ bến khách ngang sông, thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện và hàng khách phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn tạm thời của Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ và quy định phòng, chống dịch của các tỉnh có bến đối lưu.

Tại các bến phà ngoài trang bị các dụng cụ phao bơi, áo phao để đảm bảo an toàn cho khách đi phà thì ở mỗi chiếc phà đều có thêm nước rửa tay sát khuẩn, mã QR Code để hành khách khai báo trước khi lên phà. Các hành khách di chuyển trên phà cũng ý thức cao về phòng, chống dịch khi chọn di chuyển bằng phà.

Chọn phà để di chuyển qua Vĩnh Long thăm vườn, ông Vương Trung Hoàng, thành phố Cần Thơ cho biết, bản thân ông cũng tự đảm bảo an toàn khi di chuyển trên phà như đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, giữ khoảng cách với mọi người tránh tiếp xúc gần, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long được công bố dịch ở cấp độ 1 hoặc cấp độ 2. Chiều 26/10, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đã ban hành thông báo cho phép 12 bến phà nối Cần Thơ với Vĩnh Long và Đồng Tháp hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 27/10.

Cụ thể, các bến khách được hoạt động trở lại với tỉnh đối lưu Vĩnh Long bao gồm: Cần Thơ - Bình Minh; Cồn Khương - Thành Lợi; Cô Bắc - Chòm Yên; Khu công nghiệp Trà Nóc - Tân Bình; Cái Chôm - Xẻo Lá; Vàm Rạch Nọc - Xã Hời.

Các bến khách được hoạt động trở lại với tỉnh đối lưu Đồng Tháp bao gồm: Phà Thới An - Phong Hoà; Bằng Tăng - Cái Dứa; Bà Goá - Vĩnh Thới; Tân Lộc - Tân Thành; Tân Lộc - Cái Đôi; Bò Ót - Định An.

Riêng bến khách ngang sông Cồn Khương - Bình Tân tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Do bến khách này đã hết thời gian đấu thầu khai thác bến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục