Bến Tre đang áp dụng nhiều biện pháp ứng phó hạn mặn gay gắt

06:32' - 11/01/2020
BNEWS Trước diễn biến hạn mặn đang diễn ra gay gắt, tỉnh Bến Tre triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật giúp người dân ứng phó hạn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Bến Tre. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN
Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre cho biết, trước diễn biến hạn mặn đang diễn ra gay gắt tại Bến Tre, các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật giúp người dân ứng phó hạn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Theo ông Hoan, việc dự báo, cập nhật tình hình độ mặn tại các địa phương được diễn ra liên tục, cập nhật thường xuyên, mỗi ngày sẻ có bản tin diễn biến độ mặn được chuyển bằng hình thức SMS cho các lãnh đạo chủ chốt của tất cả các địa phương.

Bên cạnh đó, ứng dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo…hoặc thông tin tại các đài truyền thanh tuyến xã, huyện cho người dân biết về độ mặn các sông để người dân chủ động trữ nước phục vụ sản xuất. Mặt khác, tại các UBND xã đều có máy thử nước mặn miễn phí cho người dân để người dân chủ động thử nước để tưới cho cây.

Ông Lê Tấn Lộc, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết, trước tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất cây giống của gia đình. Do đó, ông Lộc đặt mua hai túi nước với thể tích hơn 50 m3 để tích trữ nước ngọt. Theo ông Lộc, cây sầu riêng chịu nước mặn rất kém, độ mặn 0,3‰ đã làm cho cây ngừng phát triển, làm chết cây, ngoài ra cây rất cần nước để tăng trưởng, vì vậy nước ngọt rất cần thiết cho cây trong giai đoạn mùa khô. Hiện nay người dân sản xuất cây giống phải luôn chủ động trữ nước, vì không biết nước mặn xâm nhập vào bất kỳ lúc nào.

Cách nay hơn nửa tháng nước mặn vào đột ngột làm cho người dân không kịp trữ nước. Hiện nay nước đã ngọt trở lại nên phải tranh thủ mua túi trữ nước lại, vì còn khoảng 4-5 tháng nữa mới có mưa. .

Ông Nguyễn Văn Minh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) chia sẻ, đợt hạn mặn năm 2015-2016 ảnh hưởng đến hơn 1 ha trồng cây chôm chôm của gia đình. Năm nay theo dự báo nước mặn sẽ xâm nhập diễn biến gay gắt hơn năm 2016. Do đó, ông Minh chủ động trữ nước ngọt tại các mương vườn, đồng thời mua các túi trữ nước để trữ thêm, vì lượng nước dưới mương chỉ đủ tưới trong 2 tháng. Ông Minh cho hay, được giới thiệu của các ngành chức năng về túi trữ nước mới có thời gian sử dụng lâu, giá thành phù hợp giúp người dân có thêm cách để ứng phó với hạn mặn.

Ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Châu thành cho biết, toàn xã có diện tích hơn 1.400 ha trồng cây ăn trái (chủ yếu sầu riêng, chôm chôm), các loại cây này chịu mặn rất thấp. Vì vậy, địa phương đang tập trung tuyên truyền cho người dân chủ động nạo vét kênh rạch để trữ nước. Bên cạnh đó, địa phương liên hệ với các công ty giới thiệu cung cấp các loại túi trữ nước, để cho người dân sử dụng trữ nước ngọt tưới cho cây trồng.

Ông Liêm chia sẻ, theo dự báo hạn mặn sẽ kéo dài, do đó điều kiện trữ nước tại các kênh mương sẽ không đủ nước để sử dụng, nếu trữ thêm nước bằng các túi trữ nước sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre cho hay, theo dự báo hiện tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. Hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tuyến sông tại tỉnh Bến Tre với độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 44-52km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 51-72km đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt là các vùng trồng cây ăn trái tại huyện Châu Thành, Chợ Lách (Bến Tre), các loại cây trồng ở vùng này chủ yếu là sầu riêng, chôm chôm…chịu mặn rất kém. Do đó, các ngành chức năng đang tập trung tuyên truyền người dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như: sử dụng máy lọc nước mặn, sử dụng các túi trữ nước, đào ao lót bạt… để chủ động trữ nước ngọt sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục