Hạn mặn “uy hiếp” 11 triệu sản phẩm hoa kiểng Tết tại Bến Tre

18:03' - 13/12/2019
BNEWS Hiện nay, hàng nghìn hộ dân trồng hoa kiểng phục vụ Tết tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre như ngồi trên đống lửa bởi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, với độ mặn ngày càng tăng.
Người dân dùng gáo tưới để tiết kiệm nước. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Do nước mặn xâm nhập nhanh, người dân nơi dây không kịp trở tay, vì không trữ được nước, tình trạng thiếu nước tưới cho sản xuất hoa kiểng đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Theo ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, hiện nay nước mặn đang xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 600 ha với hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ Tết nguyên đán 2020 của người dân. Tình trạng thiếu nước tưới sẽ xảy ra và chất lượng của các loại hoa kiểng sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nguy cơ sản phẩm hoa kiểng thiếu hụt trong ngày tết cũng có thể xảy ra nếu tình trạng hạn, mặn kéo dài.

Ngành chức năng khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật để hạn chế thiệt hại cho do ảnh hưởng mặn cho người dân áp dụng như: nâng sức chịu đựng mặn cho cây, tưới nước tiết kiệm, che nắng tủ gốc giảm thoát hơi nước. Đặc biệt, biện pháp trữ nước ngọt, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ cho sản xuất các loại sản phẩm phục vụ thị trường Tết.

Đoàn kiểm tra các điểm lấy nước cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Nhiều người dân tại huyện Chợ Lách bất ngờ vì từ trước đến nay chưa từng bị xâm nhập mặn sớm đến thế. Khi biết nước mặn đã xâm nhập vào kênh, không có đủ nước tưới cho cây, chị Phan Thị Bé, xã Long Thới, huyện Chợ Lách lo lắng cho hơn 1.000 chậu hoa cúc mâm xôi đang trong giai đoạn ra hoa, đây là thời điểm cây cần nhiều nước tưới để cho ra hoa đẹp. Hiện tại, bồn chứa nước dự trữ của gia đình chị Bé để nấu ăn, sinh hoạt cũng để dành cho tưới cây.

Chị Bé cho biết, hiện tại nguồn nước ngoài kênh rạch đã bị mặn nên không dám tưới, nguồn nước dự trữ chỉ đủ để tưới khoản 2 ngày, đến lúc đó buộc phải đổi nước để tưới cho cây, khi đó chi phí tăng cao xem như năm nay sẽ bị lỗ vốn.

Chị cho hay, lần đầu tiên tại nơi đây nước mặn xâm nhập sớm hơn 3 tháng so với hàng năm. Nếu như mọi năm thời điểm nước mặn ảnh hưởng vào sau Tết nguyên đán, năm nay nước mặn xâm nhập sớm làm cho nhiều người trồng hoa trở tay không kịp.

Chị Bé khẳng định, nếu tiếp tục như hiện nay thì không thể có giỏ hoa đẹp được vì việc tưới nước theo kiểu nhỏ giọt như hiện nay là chỉ để giữ cho hoa khỏi bị chết. Chưa kể, nếu khoảng 1 tuần nữa không có nước tưới thì thiệt hại của vùng trồng hoa kiểng Chợ Lách là rất lớn.

Anh Nguyễn Thạnh Hải, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, cảm thấy thất vọng khi hai mẫu nước của gia đình đến UBND xã để kiểm tra độ mặn vượt quá mức độ cho phép tưới lên cây, độ mặn do được gần 2 phần nghìn.

Anh Hải cho biết, 3.000 chậu vạn thọ và mai của gia đình mỗi ngày cần hơn 3.000 lít nước để tưới, với tình trạng nước mặn như hiện nay buộc nhà vườn phải giảm bớt vì chi phí sẽ tăng cao.

Anh Hải cho hay, hiện nay thuê xe đi lấy nước từ nơi khác với chi phí hơn 50.000/m3, nếu đổi nước từ các xe chở có khi lên tới 100.000-150.000 đồng/m3.

Anh Đặng Văn Dũng, Chủ tịch hội Nông dân xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách cho biết, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu diễn biến bất ngờ nên người dân không kịp trữ nước.

Theo đó, ngày 6/12/2019 độ mặn đo được ngoài sông Cổ Chiên chỉ hơn 1 phần nghìn nhưng sang ngày 7/12/2019 độ mặn tăng nhanh lên đến 6 phần nghìn xâm nhập sâu vào hệ thống kênh rạch tại địa phương, do đó người dân không kịp trữ nước.

Hiện tại, địa phương tổ chức đặt máy đo mặn tại UBND xã, người dân có thể mang nước đến đo độ mặn bất cứ lúc nào để có biện pháp lấy nước trữ lại khi độ mặn nước sông xuống thấp.

Bên cạnh đó, xã tổ chức phổ biến cho người dân mức độ chịu mặn của các loại cây trồng để người dân có hướng tưới, chăm sóc cây cho phù hợp.

Theo thông báo mới nhất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, độ mặn đo được tại các nhánh sông trên địa bàn huyện này đang ở mức cao, có những chỗ đo được 4,63 phần nghìn, trước đó có nơi đạt độ mặn hơn 6 phần nghìn.

Đây là mức được xem là độ mặn chưa từng xảy ra so với cùng kỳ của các năm về trước, vì huyện Chợ Lách là địa phương nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre.

Trong đợt hạn, mặn lịch sử 2016 một xã duy nhất của tỉnh Bến Tre không bị xâm nhập mặn đó là thuộc huyện Chợ Lách. Nhưng năm nay, huyện Chợ Lách lại bị xâm nhập mặn sớm hơn, nặng nề hơn.

Nguyên nhân được đưa ra là do mặn năm nay theo hai con sông chính dẫn vào đó là sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục