Bến Tre đề xuất hỗ trợ trên 1.150 tỷ đồng ứng phó hạn mặn

15:01' - 20/02/2020
BNEWS Bến Tre đề xuất Trung ương hỗ trợ trên 1.150 tỷ đồng ứng phó hạn mặn là nội dung tại buổi làm việc giữa tỉnh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 20/2.
Lúa vụ 3 đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nước tưới. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Số tiền này dự kiến để xây dựng, hoàn thiện một số công trình, dự án ngăn mặn, cung cấp nước ngọt trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, tỉnh đề nghị được xem xét, hỗ trợ khẩn cấp khoảng 30 tỷ đồng thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt từ tỉnh khác về trong giai đoạn hiện nay và đầu tư hệ thống các trạm bơm nước ngọt bổ cấp vào đập tạm, đưa nước ngọt về hồ chứa, nhà máy cung cấp nước để có nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Cùng đó, Bến Tre đề xuất hỗ trợ, bố trí khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt, quy mô 1,5 triệu m3 tại 3 huyện ven biển nhằm đảm bảo khả năng trữ nước ngọt.

Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đề xuất, Bộ xem xét bố trí tiếp 850 tỷ đồng để tỉnh triển khai đầu tư hạng mục còn lại (nhất là gia cố hệ thống đê ven sông và đầu tư hoàn chỉnh) của dự án hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre vì dự án đến nay vẫn chưa khép kín. Đồng thời, đồng bộ dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2).

Hiện, Bến Tre có nhu cầu bố trí 70 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương phòng chống hạn mặn để thực hiện đắp khẩn cấp một số đập tạm; trong đó, có hai đập tạm trên khu vực sông Ba Lai và nạo vét hệ thống thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt tưới cho các vườn cây ăn quả huyện Châu Thành, phục vụ cấp nước cho Nhà máy nước sinh hoạt của tỉnh hoạt động.

Một số công trình cống ngăn mặn trong dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre hiện vẫn chưa hoàn thành nên tỉnh không phát huy được chức năng chủ động khép kín, tạo nguồn nước ngọt cung cấp ổn định cho 5/9 huyện, thành phố; trong đó, có các nhà máy nước Sơn Đông, Hữu Định... với công suất khoảng 70.000 m3/ngày đêm.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn. Đến thời điểm này, ảnh hưởng của mặn vẫn ở mức thấp nhất nhưng Bến Tre diện tích cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng.

Do đó, tỉnh cần chủ động các giải pháp, tránh để ảnh hưởng đến cây ăn trái hoặc người dân thiếu nước sinh hoạt. Riêng nước ngọt, tỉnh cần vận hành hợp lý các công trình ngăn mặn trữ ngọt đã có; đồng thời, tăng cường giải pháp đắp đập để giữ nguồn nước ngọt phục vụ lâu dài.

Theo dự báo, từ ngày 29/2 - 6/3, khả năng sẽ có đợt nước ngọt ở Bến Tre. Vì vậy, tỉnh cần khẩn trương đắp xong đập Ba Lai trước ngày 29/2 để trữ ngọt. Đây là đợt ngọt cuối cùng nên tỉnh cần phải tranh thủ bằng mọi cách trữ được nguồn nước này. Cùng đó, Bến Tre phải có kế hoạch bơm nước vào Kênh Lấp và đập tạm Ba Lai trữ nguồn nước ngọt để cung cấp cho khoảng 200.000 dân thành phố và khu vực lân cận - Thứ trưởng yêu cầu.

Từ nay đến tháng 4, những khu vực có nước ngọt cần tổ chức đắp đập để tranh thủ trữ đợt nước ngọt cuối cùng cho những ngày mặn còn lại. Nếu không tận dụng cơ hội này thì sẽ thiếu nước. Theo dự báo từ 7/3 - 16/3, độ mặn đạt đỉnh cao nhất - tương đương với đợt mặn từ ngày 8-12/2. Thời điểm đó, triều cường lên và phía thượng lưu không xả nước. Do đó, mặn năm nay sẽ dài hơn và dự báo tuần đầu tiên của tháng 5 mới kết thúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp gợi ý, vì hạn mặn kéo dài nên địa phương không được chủ quan, cần tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt Đài khí tượng thủy văn, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam để có thông tin, chỉ đạo cụ thể.

Đối với kiến nghị của tỉnh Bến Tre về bố trí nguồn vốn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tỉnh tách thành 2 đề xuất để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ; có khả năng sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Bến Tre 100 tỷ đồng để lắp đặt các thiết bị lọc nước RO cung cấp nước cho trường học, bệnh viện,... Hiện đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn lực hỗ trợ địa phương trong phòng chống hạn mặn.

Ngay từ tháng 12/2019, mặn trên các sông chính trên địa bàn tỉnh xâm nhập nhanh và sớm hơn 2 tháng so với trung bình nhiều năm. Độ mặn đo được tại các trạm ở mức rất cao. Theo đó, độ mặn 4 phần ngàn xâm nhập cách cửa sông từ 45 - 60 km; độ mặn 1 phần ngàn xâm nhập cách cửa sông 52 - 76 km. Từ đầu năm 2020 đến nay, độ mặn xâm nhập nhanh và sâu hơn vào các sông chính; độ mặn 4 phần ngàn xâm nhập cách cửa sông trên 70 km. Hiện tại, trên sông Hàm Luông và Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Cùng ngày, đoàn công tác đã đi kiểm tra một số công trình ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh./.

>>> Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Diễn biến phức tạp, khó lường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục