Bến Tre dự báo xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn năm 2015-2016

19:47' - 13/10/2023
BNEWS Xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài tại Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016, mặn bắt đầu xâm nhập trên các sông chính từ nửa cuối tháng 11.

Chiều 13/10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, hạn mặn năm 2022-2023; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2023-2024.

 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng vào nửa cuối tháng 10/2023); đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong cuối tháng 10, đầu tháng 11. Như vậy, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016, mặn bắt đầu xâm nhập trên các sông chính từ nửa cuối tháng 11/2023. Do đó, các địa phương khẩn trưởng triển khai nhanh biện pháp, giải pháp ứng phó hạn mặn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện những nội dung chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua; tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023 bằng nhiều hình thức phù hợp.

Các đơn vị chủ đầu tư có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi, cấp nước để kịp đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa hạn mặn 2023-2024. Các địa phương cần chủ động, triển khai biện pháp ứng dụng chuyển đổi số thực hiện dự báo mặn đến người dân, nhất là khu vực sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả chống chịu mặn kém để người dân chủ động trữ nước phục vụ sản xuất...

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đề xuất một số công việc trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai, hạn mặn và tìm kiếm cứu nạn trên địa bản tỉnh Bến Tre những tháng cuối năm 2023 và mùa khô 2023-2024, góp phần ổn định đời sống, dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai như mưa dông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, bờ biển, triều cường... gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra 7 đợt dông, lốc xoáy làm chết 1 người, 103 căn nhà ở bị ảnh hưởng, tốc mái 1 điểm trường, 1,2 ha cây ăn trái lâu năm bị bật gốc, gãy nhánh và một số thiệt hại khác; có 16 điểm (khu vực) bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở với tổng chiều dài sạt lở 6.774m. Tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn năm 2022-2023 không diễn biến gay gắt nhưng cũng gây tác động đến các hoạt động sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre…

Công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 và 9 tháng năm 2023 được tỉnh thực hiện hiệu quả. Tỉnh Bến Tre đã được Trung ương hỗ trợ 1.103 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương), 642 tỷ đồng (vốn ODA) và 265 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương) để triển khai thực hiện 41 công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với mục tiêu phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục