Bến Tre hỗ trợ đưa 100% sản phẩm nông nghiệp chủ lực lên sàn TMĐT

10:17' - 28/10/2021
BNEWS Bến Tre phấn đấu hỗ trợ đưa 100% các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Đặc sản Bến Tre bentretrade.vn...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đã ký ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2021 và giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số vào trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, đa dạng các kênh phân phối nông sản, hạn chế hiện tượng ùn ứ nông sản khi vào cao điểm vụ thu hoạch.

Bến Tre phấn đấu hỗ trợ đưa 100% các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Đặc sản Bến Tre bentretrade.vn...

Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh tổ chức 20 lớp đạo tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng 30 trang landing pages, website bán hàng nhằm đẩy mạnh quảng bá, hoạt động giao thương, mua bán và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, đối tượng được hỗ trợ là hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hội nông dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sàn thương mại điện tử: Sendo, Postmart.vn, Voso.vn, Đặc sản Bến Tre bentretrade.vn,....

Cụ thể, tỉnh Bến Tre hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp thiết lập gian hàng đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Đặc sản Bến Tre.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP, VietGAP, đặc sản của địa phương,... nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản tại địa phương.

Tỉnh xây dựng, cung cấp, hướng dẫn vận hành các trang landing pages, wedsite bán hàng cho các hộ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tổ chức tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu.

Đồng thời, tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng các chương trình kết nối cung cầu, chợ phiên online; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia nhằm hỗ trợ cho các đơn vị chuyển đổi từ hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến.

Bến Tre cũng liên kết với các cơ quan, trường, các chuyên gia đầu ngành tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng, quản lý, giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, các biện pháp an toàn thông tin, ứng dụng các giải pháp thương mại mới, tiên tiến cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh tập trung hỗ trợ những hộ sản xuất nông nghiệp đang có nhu cầu ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra các mô hình ứng dụng thương mại điện tử điển hình, kiểu mẫu cho các hộ sản xuất nông nghiệp khác học tập.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện tỉnh đang triển khai xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như bưởi, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho hay, đến nay, chuỗi sản phẩm dừa đã kết nối được hơn 12.036 ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa của tỉnh; chuỗi sản phẩm bưởi da xanh đã thực hiện liên kết với diện tích khoảng 330 ha.

Các chuỗi sản phẩm lợn, bò và tôm biển cũng có được những kết quả nhất định, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục