Bến Tre tăng cường biện pháp sinh học phòng tránh sâu bệnh hại dừa

17:17' - 27/09/2017
BNEWS Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang triển khai các biện pháp sinh học phòng tránh sâu bệnh gây hại cho dừa, bằng các loài thiên địch như: ong ký sinh, bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.
Bến Tre tăng cường biện pháp sinh học phòng tránh sâu bệnh hại dừa. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang triển khai các biện pháp sinh học phòng tránh sâu bệnh gây hại cho dừa, bằng các loài thiên địch như: ong ký sinh, bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa (bọ dừa), bọ vòi voi mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Bến Tre cho biết, để quản lý tốt dịch bệnh bằng biện pháp sinh học nhằm đảm bảo năng suất chất lượng của vườn dừa; trong đó bọ cánh cứng, bọ vòi voi… ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chất lượng của vườn dừa, Bến Tre đã chuyển giao công nghệ nhân nuôi ong ký sinh thành công.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thả 140.000 Mummy ong ký sinh (1Mummy = 50-60 con ong ký sinh). Riêng bọ đuôi kìm triển khai từ tháng 4/2017 đến nay, đã thả hơn 7.000 con.

Ngoài ra, Chi cục còn triển khai mô hình nhân nuôi bọ đuôi kìm và ong ký sinh cho 20 hộ tại huyện Mỏ Cày Bắc và Huyện Giồng Trôm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các vườn dừa thả nuôi bọ đuôi kìm tỷ lệ sâu bệnh, rụng trái non giảm.

Theo anh Phạm Văn Thanh, xã Thạnh An, huyện Mỏ Cày Bắc, lần đầu tiên được hướng dẫn gây nuôi bọ đuôi kìm, lúc đầu hơi tuy lạ lẫm nhưng hiện nay anh đã quen với việc chăm sóc bọ đuôi kìm.

Anh Thanh cho biết, vườn dừa nhà anh trước đây bị bọ dừa làm hư hại nặng, sau khi ngành chức năng thả ong ký sinh, dừa bị gây hại giảm nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng, ngoài ra thêm loại sâu hại là con bọ vòi voi làm rụng trái non.

Do đó, anh phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt thêm để tránh giảm năng suất cho dừa.

Nhưng từ khi nuôi bọ đuôi kìm, anh Thanh đã thả lên cho 10 cây dừa để thử nghiệm, các cây dừa được thả bọ đuôi kìm không còn bị bọ dừa gây hại và trái non rụng do bọ vòi voi cũng giảm.

Theo anh Thanh để có hiệu quả thì phải thả bọ đuôi kìm với mật độ nhiều từ 80-100 con.

Bến Tre tăng cường biện pháp sinh học phòng tránh sâu bệnh hại dừa. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Anh Thanh đang tiếp tục nhân nuôi để thả hết các cây dừa còn lại trong vườn và không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chí phí chăm sóc vườn dừa giảm, lợi nhuận từ đó tăng thêm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, dừa là 1 trong 8 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để xây dựng chuỗi giá trị.

Trên cây dừa vẫn có một số dịch hại chính như bọ cánh cứng hại dừa, bọ vòi voi, sâu đục trái.... ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng và năng suất dừa.

Biện pháp phòng trừ chủ yếu của người dân là sử dụng thuốc hóa học vừa tổn hại sức khỏe vừa làm ô nhiễm môi trường sinh thái, đặc biệt đối với những cây dừa cao khó khăn trong việc phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp hóa học.

Vì vậy, việc áp dụng biện pháp sinh học vẫn có hiệu quả cao trong việc phòng trừ và an toàn hơn với môi trường sinh thái.

Trong thời tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Bến Tre sẽ triển khai đến các địa phương trong tỉnh nhân rộng mô hình nuôi bọ đuôi kìm để thả trên vườn dừa, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp sinh học trong phòng tránh sâu bệnh hại dừa.

Đồng thời, từng bước áp dụng sản xuất vùng nguyên liệu dừa hữu cơ hoặc theo hướng an toàn để cung cấp sản phẩm dừa chất lượng cho các công ty chế biến và người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục