Bến Tre ứng phó với thiên tai nguy hiểm trong giai đoạn chuyển mùa

12:33' - 18/09/2024
BNEWS Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị các sở, ngành... trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2024.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2024 kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân.

 

Theo đó, Ban Chỉ huy đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai năm 2024, chủ động phòng tránh, ứng phó với các thiên tai nguy hiểm trong giai đoạn chuyển mùa. Các địa phương rà soát, cập nhật kế hoạch về phòng chống, ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; ứng phó với dông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới; triều cường, ngập úng, tràn, vỡ đê; sạt lở bờ sông, bờ biển...

Các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn về diễn biến, tình hình thiên tai; thông tin kịp thời đến địa phương và người dân để chủ động biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai phù hợp. Đồng thời, khuyến cáo người dân gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa, dông; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để kịp thời tiếp nhận dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động phòng tránh; bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản,... nhằm hạn chế thiệt hại. 

Các địa phương chủ động rà soát, phối hợp với đơn vị quản lý đê điều, công trình thủy lợi, tăng cường kiểm tra, khắc phục ngay những công trình hư hỏng, xuống cấp; kịp thời gia cố, tôn cao những nơi còn thấp, tràn nước, khu vực trọng yếu như đê bao các cồn, vườn cây ăn trái, khu vực nuôi thủy sản, công trình đầu mối, tuyến bờ bao... Mặt khác, tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, ven sông, kênh, rạch, đặc biệt là khu vực các cồn Phú Đa, Thành Long, Tam Hiệp; các điểm sạt lở bờ biển huyện Ba Tri, Thạnh Phú, sạt lở bờ sông Giao Hòa.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, huyện có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và được bao bọc bởi nhiều con sông lớn, hiện tượng sạt lở bờ sông, sạt lở đê bao thường xuyên diễn ra, gây tổn thất lớn đến cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ở ven sông. Do đó, việc tập trung gia cố các đê bao, xây dựng bờ kè ven các sông lớn được địa phương ưu tiên thực hiện.

Những năm qua, huyện Chợ Lách đẩy mạnh xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ đất nông nghiệp. Đến nay, Chợ Lách có trên 26 km đê bờ bao, diện tích đê bao 10.248ha đất nông nghiệp. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ bản đảm bảo chống lũ hơn 126km đê, bao bọc gần 6.500 ha diện tích đất nông nghiệp.

Tại Bến Tre, từ đầu năm đến nay, do triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn làm sạt lở, xói lở gần 140m bờ kè, bờ bao và ảnh hưởng đến gần 128ha đất sản xuất. Toàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa giông, lốc xoáy lớn, làm hư hỏng, tốc mái 180 căn nhà và gần 20 ha vườn cây ăn trái bị bật gốc, gãy đổ. Có 4 vụ sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông, kè, nhà ở của người dân.

Sáng 17/9, sạt lở đê bao do triều cường xảy ra tại cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách ảnh hưởng đến 19 hộ dân; ngập úng 3 ha cây ăn trái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục