Bến Tre ưu tiên ứng dụng thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP

14:58' - 17/02/2025
BNEWS Bến Tre sẽ tăng cường thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, gắn kết chủ thể OCOP với các điểm, tour, tuyến du lịch tham quan, mua sắm tại tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và các giá trị truyền thống của địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Tỉnh tăng cường thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, gắn kết chủ thể OCOP với các điểm, tour, tuyến du lịch tham quan, mua sắm tại tỉnh. Mặt khác, tỉnh tiếp tục tập huấn, đào tạo cho chủ thể tham gia chương trình OCOP giúp nâng cao năng lực về quản lý, tổ chức, chế biến và thương mại; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ tiên tiến, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, tỉnh xác định rõ thế mạnh, đặc trưng sản phẩm chủ lực của địa phương để định hướng và có chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp, khả thi. Đồng thời, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các ngành, các cấp trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích, ý nghĩa và sự cần thiết khi tham gia chương trình, tạo động lực để người dân thực hiện theo định hướng chung của tỉnh.

Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, gắn phát triển sản phẩm với du lịch. Ngành chức năng tỉnh tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP được trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường; kết hợp với triển khai xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh gắn kết chương trình OCOP với các chương trình khác như cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, chương trình Đồng khởi, khởi nghiệp,... để hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lựợng cao.

Bến Tre lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn khuyến công, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để bố trí nguồn lực cho công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP ở địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sau gần 6 năm triển khai Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Thời gian qua, chương trình OCOP được địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả, trở thành một giải pháp đựợc ưu tiên trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm OCOP của tỉnh dần được hoàn thiện theo hướng phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gắn với cải tiến dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường… góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường tiềm năng, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự bảo đảm tính thường xuyên, bền vững. Nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa đứng vững trên thị trường. Việc xây dựng, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đối với các sản phẩm này còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn chưa có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ đối với chủ thể OCOP, cũng như chưa có chính sách riêng biệt cho chương trình này. Đặc biệt, năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến sau thu hoạch và thương mại sản phẩm của chủ thể OCOP chưa cao…

Năm 2025, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu có từ 45 sản phẩm tham gia chương trình đánh giá sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên gồm chứng nhận mới, tái chứng nhận và sản phẩm nâng cấp sao. Đến nay, Bến Tre có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu trong các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên các ứng dụng công nghệ thông tin.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục