Bị cáo Nguyễn Xuân Đường không thừa nhận một số nội dung trong cáo trạng

18:32' - 17/11/2021
BNEWS Bị cáo Nguyễn Xuân Đường không thừa nhận một số nội dung cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ bản cáo trạng này.
Sau đề nghị hoãn phiên tòa của luật sư bào chữa cho các bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp thuận, chiều 17/11, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (sinh năm 1971, hay còn gọi là  Đường “Nhuệ”), Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1980), cùng trú tại Tổ 11, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình và 5 đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong phần xét hỏi đầu giờ chiều, để đảm bảo tính khách quan, bị cáo Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và Bùi Mạnh Tiến được cách ly riêng khỏi phòng xử án trước khi Hội đồng xét xử thực hiện xét hỏi đối với 4 bị cáo còn lại, gồm: Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin và Quách Việt Cường.Theo kết quả điều tra, Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long do ông Trần Đình Giao (sinh năm 1963, trú tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty này hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ hỏa táng với cơ sở hỏa táng là Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (có địa chỉ tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Năm 2016, Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại Thành Phát làm đại lý độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình. Sau đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại Thành Phát ủy quyền cho anh Nguyễn Thế Việt (sinh năm 1985, trú tại phường Hạ Long, thành phố Nam Định) quản lý văn phòng đại diện đặt tại Thái Bình với công việc chủ yếu là nhận thông tin ca hỏa táng từ các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình báo sang Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình.

Trong thời gian văn phòng Thành Phát hoạt động, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ tại Thái Bình thành lập Hiệp hội tang lễ Thái Bình với 25 thành viên, tự phân chia địa bàn, đề ra quy chế hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc.

Khoảng cuối năm 2017, sau khi được Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long Trần Đình Giao giới thiệu với các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình, Nguyễn Xuân Đường đã nảy sinh ý định muốn chiếm độc quyền lĩnh vực hỏa táng tại Thái Bình, buộc các dịch vụ tang lễ Thái Bình khi làm dịch vụ hỏa táng phải báo ca thông qua Đường và nộp cho Đường 500.000 đồng/ca.

Để thực hiện mục đích này, Đường đã bàn bạc với Ninh Đức Lợi và được đối tượng này giúp sức trong nhiều hoạt động như: soạn thảo Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương (do Nguyễn Thị Dương làm Giám đốc) và các dịch vụ tang lễ tại Thái Bình; yêu cầu các dịch vụ tang lễ Thái Bình phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại Thành Phát buộc phải rút khỏi Thái Bình; tổ chức các cuộc họp với các cơ sở dịch vụ tang lễ; nhận báo ca hỏa táng, thu tiền báo ca của các dịch vụ tang lễ đưa về cho Đường. Ngoài ra, Ninh Đức Lợi còn tham gia vào việc gây tai nạn, cản trở xe tang lễ của tỉnh ngoài, buộc dịch vụ tang lễ mới phải tham gia Hiệp hội và tổ chức họp để cắt địa bàn của các dịch vụ tang lễ vi phạm những nguyên tắc do nhóm của Đường lập ra.

Cũng theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Ninh Đức Lợi cùng với Nguyễn Khắc Nin cố ý gây tai nạn để chặn xe hỏa táng của dịch vụ Tân Đại (thành phố Hải Dương), giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường ngăn không cho các cơ sở dịch vụ tang lễ của tỉnh ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình, gián tiếp đe dọa các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ ở Thái Bình phải tuân theo những “luật lệ” do nhóm của Đường lập ra.

Về vai trò đồng phạm của Nguyễn Thị Dương trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, dù biết Công ty Đường Dương do mình làm Giám đốc không kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ, không được Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long ủy quyền song Nguyễn Thị Dương vẫn ký vào những bản hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình do đàn em của chồng mình soạn thảo, đồng thời 2 lần nhận tiền báo ca hỏa táng với số tiền trên 107 triệu đồng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Dương thừa nhận việc có ký xác nhận biên nhận tiền do đàn em của Đường là Phạm Văn Úy đưa và có ký hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình song không đọc nội dung mà đã ký. Bị cáo cũng không thừa nhận hành vi phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo cáo trạng truy tố.

Bị cáo Bùi Mạnh Tiến, con nuôi của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường giữ quyền im lặng trong phần xét hỏi đối với mình và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 20 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Xuân Đường không thừa nhận một số nội dung cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ bản cáo trạng này.

Ngày mai 18/11, phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về phiên xét xử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục