Bí quyết nào giúp nông dân Quảng Ninh thay đổi tư duy sản xuất?

10:28' - 04/08/2023
BNEWS Với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững.

 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn QuảngNinh, tốc độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững.

Nhờ hàng loạt các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Không chỉ có máy làm đất, máy bơm nước, máy gặt mà còn có thêm rất nhiều loại máy móc tiên tiến, như: Máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; hệ thống tưới nước tiết kiệm, điều khiển từ xa; máy cấy, máy cuộn rơm, máy lên luống, máy gieo hạt...

Hiện nay, việc cơ giới hoá trong nông nghiệp đã giúp giảm công lao động, rút ngắn chu kỳ sản xuất, giảm chi phí từ 20-30% so với làm đất thủ công. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10-15%, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương trong tỉnh đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung... qua đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, tỉnh hiện có 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập; 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích…

Tuy nhiên, cơ giới hóa của tỉnh vẫn chưa đồng bộ và toàn diện. Một số khâu như gieo cấy, sơ chế, chế biến sâu mức độ cơ giới hóa còn thấp. Nhất là khả năng chế biến đối với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh còn hạn chế, công suất chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế về vốn, công nghệ, thiết bị, lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý...

Trong bối cảnh lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến, tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các mùa vụ chính thì việc tháo gỡ các khó khăn nội tại để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này là yêu cầu bức thiết. Bởi việc cơ giới hoá không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn giải được bài toán về lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản; thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất; hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn.

Mặc dù vậy, trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh; ưu tiên, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Nhiều sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Quảng Ninh có 565 sản phẩm OCOP; trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp quốc gia./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục