Biển Đỏ của Ai Cập - Niềm hy vọng cho hệ sinh thái san hô trong tương lai

14:32' - 10/10/2022
BNEWS Bảo vệ môi trường: Biển Đỏ của Ai Cập - Niềm hy vọng cho hệ sinh thái san hô trong tương lai

Dưới đáy biển ngoài khơi bờ Biển Đỏ của Ai Cập, một hệ sinh thái đa dạng và đầy màu sắc có thể trở thành nơi "trú ngụ" cuối cùng của san hô trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu ấm lên đang thu hẹp diện tích các rạn san hô trên thế giới.

Trong báo cáo năm nay, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu cho biết hầu hết các rạn san hô ở vùng nước nông, bị vùi dập và tẩy trắng vì các đợt nóng liên tiếp ở biển, "sẽ không thể tồn tại đến hết thế kỷ này".

Điều này đe dọa gây thiệt hại rất lớn cho hàng trăm triệu người trên thế giới, vốn sống dựa vào các loài cá sinh sống và sinh sản trong các hệ sinh thái mong manh này.

 

Theo các chuyên gia, ngay cả khi mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức giới hạn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, 99% rạn san hô thế giới cũng sẽ không thể phục hồi.

Tuy nhiên, theo Giáo sư sinh vật biển Mahmoud Hanafy tại Đại học Suez Canal của Ai Cập, không giống với san hô ở những nơi khác, rạn san hô Biển Đỏ đã chứng tỏ "khả năng chống chịu cao với nhiệt độ ấm lên của nước biển".

Các nhà khoa học hy vọng rằng ít nhất một số trong rạn san hô Biển Đỏ - chiếm 5% tổng lượng san hô còn lại trên thế giới - có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt.

Vì lẽ đó, rạn san hô này có thể là niềm hy vọng cho nhân loại về khả năng tồn tại một hệ sinh thái san hô trong tương lai.

Về phần mình, chuyên gia Eslam Osman tại Đại học Khoa học và kỹ thuật King Abdullah ở Saudi Arabia, cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy san hô ở Bắc Biển Đỏ có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của nhiệt độ đại dương ấm lên.

Theo chuyên gia Osman, có một học thuyết giải thích khả năng chống chịu này là nhờ “ký ức tiến hóa” mà loài san hô ở đây đã phát triển trong hàng nghìn năm qua, khi ấu trùng san hô di cư đến phía Bắc từ Ấn Độ Dương.

Tại phía Nam Biển Đỏ, ấu trùng san hô phải vượt qua nhiều vùng nước rất ấm, giống như qua một bộ lọc, mà chỉ các loài có thể sống sót ở nhiệt độ 32 độ C mới vượt qua được.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng là con người cần bảo vệ vùng Bắc Biển Đỏ như một trong những nơi trú ngụ cuối cùng của san hô, phục vụ cho các nỗ lực khôi phục các rạn san hô trong tương lai.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo dù san hô ở Biển Đỏ có khả năng chống chịu với nhiệt độ cao, chúng cũng có nguy cơ bị tàn phá vì những mối đe dọa phi khí hậu như ô nhiễm, đánh bắt thủy, hải sản quá mức và tình trạng môi trường sống bị phá hoại do hoạt động phát triển kinh tế ở vùng duyên hải và phát triển du lịch ồ ạt.

Chuyên gia Osman nhấn mạnh: “Khi các mối đe dọa phi khí hậu gia tăng, sự dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cũng sẽ tăng theo”.

San hô ở ngoài khơi Ai Cập rất nổi tiếng với các thợ lặn và một số điểm lặn ở Biển Đỏ đang được khai thác gấp hơn 40 lần mức được khuyến cáo.

Giáo sư Hanafy cũng nhấn mạnh hoạt động đánh bắt thủy, hải sản cũng cần phải giảm 1/6 so với mức hiện nay để đảm bảo môi trường bền vững cho san hô.

Theo chuyên gia này, việc bảo vệ san hô là “trách nhiệm toàn cầu” và cả các công ty du lịch tại Biển Đỏ, vốn đóng góp 65% cho ngành du lịch quan trọng của nước này, cần có sự đóng góp vào nỗ lực trên.

Một giải pháp khả thi là Bộ Môi trường tăng cường bảo vệ khu vực san hô rộng 400 km2 được biết đến với cái tên Great Fringing Reef của Ai Cập. Việc tạo ra khu bảo tồn này sẽ giúp bảo vệ san hô thông qua việc điều tiết các hoạt động đánh bắt thủy, hải cá, cũng như cấm các hành vi gây ô nhiễm.

Tác động của tình trạng san hô biến mất khá nghiêm trọng. San hô chỉ chiếm 0,2% diện tích đáy biển nhưng là "ngôi nhà" của ít nhất 25% tổng các loài động thực vật biển, giúp duy trì kế sinh nhai cho khoảng nửa tỷ người trên thế giới.

Theo Mạng lưới giám sát san hô toàn cầu, khí hậu ấm lên, cũng như hoạt động khai thác quá mức và ô nhiễm, đã hủy hoại khoảng 14% rạn san hô trên toàn cầu trong giai đoạn 2009-2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục