Biến đổi khí hậu: Kêu gọi đầu tư 1.800 tỷ USD vào 5 lĩnh vực chủ chốt để giảm bớt tác động

07:26' - 11/09/2019
BNEWS Theo Ủy ban Toàn cầu về thích ứng, thế giới cần đầu tư 1.800 tỷ USD vào 5 lĩnh vực chủ chốt trong thập kỷ tới để giảm bớt tác động nghiêm trọng nhất do hiện tượng Trái Đất ấm lên gây ra.
Băng tan tại Greenland do hiện tượng trái đất ấm lên. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/9, Ủy ban Toàn cầu về thích ứng cảnh báo rằng các nước giàu và nghèo hiện cần phải đầu tư để bảo vệ trước các tác động do biến đổi khí hậu gây ra, nếu không sẽ phải trả một cái giá đắt hơn sau này. 

Trong báo cáo, Chủ tịch Ủy ban này là cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: "Chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể làm thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, và chúng ta là thế hệ đầu tiên sau đó phải chung sống với hậu quả (do biến đổi khí hậu gây ra). Trì hoãn và trả giá hay lập kế hoạch để thành công".

Ủy ban trên cho rằng các nước trên thế giới cần đầu tư 1.800 tỷ USD vào 5 lĩnh vực chủ chốt trong thập kỷ tới sẽ không những giúp giảm bớt tác động nghiêm trọng nhất do hiện tượng Trái Đất ấm lên gây ra, mà còn có thể mang lại hơn 7.000 tỷ USD lợi ích kinh tế.

Mức lợi ích này dựa trên tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng mức độ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đang gia tăng, ở mức trung bình trên toàn cầu là khoảng 1,5%/năm.

Báo cáo cho rằng 5 lĩnh vực cần đầu tư khẩn cấp nhất vào thời điểm hiện này gồm hệ thống cảnh báo sớm, hạ tầng cơ sở chống chịu khí hậu, bảo vệ rừng đước, cải thiện tài nguyên nước sạch và canh tác nông nghiệp tốt hơn.

Ví dụ, bảo vệ rừng đước ngập mặn có tác dụng chống bão và là nơi sinh trưởng của các loài cá phục vụ mục đích thương mại.

Tuy nhiên, ít nhất 1/3 số rừng đước trên thế giới đã bị phá hủy để phục vụ mục đích du lịch hoặc nuôi trồng thủy sản.

Báo cáo nhấn mạnh các biện pháp của các nước trên thế giới nhằm làm giảm tốc độ biến đổi khí hậu là đầy triển vọng song vẫn chưa đủ.

Báo cáo nêu rõ: "Chúng ta phải đầu tư với nỗ lực không mệt mỏi để thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu 'không thể tránh khỏi, Bởi nếu không hành động, vào năm 2030, biến đổi khí hậu có thể đẩy hơn 100 triệu người ở những nước đang phát triển xuống dưới ngưỡng mức nghèo đói". 

Trong lịch sử 25 năm đàm phán về biến đổi khí hậu của LHQ, vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu ít được đề cập đến trong chương trình nghị sự đàm phán hơn so với vấn đề giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Vấn đề này lâu nay được coi là chỉ tác động đến những nước nghèo và đang phát triển. Tuy nhiên, các trận lũ lụt gần đây trong nội địa Mỹ cũng như một loạt siêu bão tấn công vào nước Mỹ cùng với các đợt nắng nóng dữ dội ở châu Âu và Nhật Bản đã chứng tỏ rằng sự giàu có của những nước này chưa đủ để bảo vệ trước các tác động do biến đổi khí hậu gây ra. 

Do vậy, bà Dominic Molloy, đồng tác giả báo cáo trên, thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Anh, nhấn mạnh rằng các nước trên thế giới cần vừa làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa thích nghi với tình trạng này.

Ủy ban toàn cầu về thích ứng là một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft Bill Gates và Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB), Kristalina Georgieva.

Ủy ban này có nhiệm vụ nâng cao tầm nhìn của thích ứng khí hậu với chương trình nghị sự toàn cầu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ tại New York, Mỹ, vào ngày 23/9 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục