Biến thể Delta tác động ra sao đến đà phục hồi của kinh tế Mỹ?

16:34' - 25/08/2021
BNEWS Để nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi, điều cần thiết là những nỗ lực trong việc kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta và đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến, dù chậm.
Số ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Số ca nhiễm trên toàn nước Mỹ ở mức 150.000 mỗi ngày vẫn cao, nhưng có hy vọng hoạt động kinh doanh và tiêu dùng có thể duy trì đà phục hồi của nền kinh tế về mức trước đại dịch.
Nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Raymond James, Chris Meekins, cho rằng tỷ lệ gia tăng theo phần trăm số ca nhiễm mới và nhập viện do COVID-19 đang giảm mỗi tuần. Dù chậm hơn vài ngày so với dự báo, các bang ở phía Nam nước Mỹ bị ảnh hưởng mạnh nhất do biến thể Delta có thể gần đến hoặc đã đạt đỉnh.
Theo số liệu của Meekin, tỷ lệ tăng số ca nhiễm đã giảm xuống 11,7%, trong khi tỷ lệ nhập viện là 14,7%, thấp hơn nhiều các con số tương ứng là 32% và 37% của hai tuần trước.
Trong khi đó, số liệu về sự mở cửa trở lại của nền kinh tế tiếp tục cải thiện, dù cũng với tốc độ chậm hơn khi sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta đã gây ra những lo ngại về tình hình sắp tới.
Số liệu của Google Mobility đã cho thấy bản chất không đồng đều, chậm nhưng ổn định của quá trình phục hồi.
Tính đến ngày 17/8, hoạt động di chuyển đến các địa điểm giải trí tiếp tục tăng mạnh, dù thấp hơn nhiều so với mức đỉnh. Sự di chuyển đến các công viên, bãi biển và các khu vực công cộng tăng 31% so với giai đoạn 5 tuần tính đến giữa tháng 2/2020, chưa đến một tháng trước khi chính thức ban bố đại dịch.
Ngược lại, hoạt động di chuyển đến nơi làm việc giảm 33% so với mức trước đại dịch, trong khi các điểm trung chuyển có lượng người giảm 23%.
Nhà kinh tế tại Jefferies, Aneta Markowska, cho rằng biến thể Delta chỉ khiến đà phục hồi mất động lực hơn là gây ra sự suy yếu đáng kể và có thể chỉ là trong thời gian ngắn.
Nhiều chuyên gia y tế nhận định số ca nhiễm biến thể Delta có thể đạt đỉnh vào mùa Thu, dù các dự báo đưa ra là khác nhau.
Các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế lo ngại biến thể Delta có thể có tác động lớn hơn dự kiến. Goldman Sachs tuần trước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ quý III/2021 từ 9% xuống 5,5%.
Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay và mức tăng trưởng 5,5% vẫn được coi là cao.
Cả số liệu kinh tế và số ca nhiễm COVID-19 đều cho thấy một sự phục hồi bấp bênh, nhưng vẫn đang tiếp tục.
Nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của TS Lombard, Steve Blitz, cho rằng biến thể Delta có thể làm chậm quá trình phục hồi, khi các doanh nghiệp và người lao động hoãn kế hoạch trở lại văn phòng trong mùa Thu này. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn được duy trì./.

>>CDC Mỹ: Chưa tiêm vaccine COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp 30 lần


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục