Bình Dương: Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đồng loạt kêu khó khăn, thua lỗ

21:34' - 12/10/2022
BNEWS Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã làm việc với 9 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng các cây xăng treo bảng "hết xăng còn dầu" xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong những ngày qua, chiều 12/10, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã làm việc với 9 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (đơn vị cung ứng xăng dầu lớn nhất tỉnh Bình Dương) - ông  Lê Thanh Tùng, Giám đốc kinh doanh cho biết, trong những ngày qua các cửa hàng thuộc hệ thống Thanh Lễ bán ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần.

Cụ thể, ngày 10/10 tại cửa hàng số 5 gần cầu Phú Cường lượng khách tăng gấp đôi, thậm chí trong một ngày bán 35.000 lít xăng tại cửa hàng xăng dầu số 6 Gò Đậu đoạn qua đại lộ Bình Dương, tăng gấp nhiều lần so với các ngày bình thường trước đây.

Còn ông Trịnh Đình Tuấn, Phó Giám đốc Petrolimex Sông Bé cho biết, trong những ngày qua hệ thống các cửa hàng đại lý đã bán tăng gấp đôi so với ngày thường, nhưng đơn vị vẫn nỗ lực cung ứng đầy đủ xăng dầu ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các đơn vị cung ứng xăng dầu lớn ở Bình Dương đều lên tiếng về những khó khăn và kiến nghị định mức chi phí kinh doanh đối với xăng, dầu (950 đồng dành cho xăng và 1.050 đồng với dầu) được áp dụng từ năm 2016 đến nay hiện không còn phù hợp. Mặt khác, chi phí vận chuyển, nhập khẩu từ nguồn nhà máy không thể bù đắp cho các chi phí liên quan đến vận tải và các phi phí khác đã tăng lên nhiều lần so với trước đây.

Theo tính toán, các doanh nghiệp đầu mối nếu bổ sung chiết khấu 500 đồng/lít thì mỗi lít xăng đang cung ứng ra thị trường nhà đầu mối nhập khẩu và phấn phối xăng dầu đang lỗ bình quân 1.500 đồng/lít.

Qua buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn kiến nghị nhà nước xây dựng chi phí tính giá cơ sở để điều tiết phục vụ thị trường bán lẻ ổn định hơn.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, trước mắt ghi nhận những kiến nghị nêu trên để có báo cáo toàn diện về thực trạng chung. Tuy nhiên, những ngày qua xảy ra biến động trong cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã gây nhiều xáo trộn, bất tiện cho nhiều người tiêu dùng.

Khi đổ xăng phải đứng chờ 20 phút mới mua được xăng, thậm chí có nơi còn lâu hơn khiến người lao động quanh các khu công nghiệp đến nhà máy trong giờ cao điểm gặp nhiều khó khăn.

Ông Toàn cho rằng, đơn vị đang rà soát lại hệ thống phân phối, các cửa hàng, đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Qua đó, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ các khó khăn như vấn đề cấp giấy phép kinh doanh của các cửa hàng, đại lý bán lẻ vướng mắc những thủ tục pháp lý...

Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện hệ thống Kho dự trữ luôn ở mức đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu; các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống; mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu luôn duy trì hoạt động kinh doanh theo thời gian đăng ký để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; mức tiêu thụ xăng dầu bình quân khoảng 1500 - 2.000 m3/ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục