Bình Dương đứng đầu cả nước về xuất khẩu gỗ

17:52' - 03/03/2021
BNEWS Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ngành sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ của tỉnh đang chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh trong năm 2020 ước đạt khoảng 5,6 tỷ USD, chiếm trên 47,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.

Theo đó, thị trường xuất khẩu của ngành gỗ Bình Dương chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản; Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ngành gỗ đã mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các nước trong khối EU.

Sự phát triển của ngành gỗ chủ yếu ở việc các nước bắt đầu chuyển dịch các nguồn cung sản xuất về Việt Nam, các doanh nghiệp cũng bắt đầu tái cấu trúc công ty tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA cho rằng, trong đại dịch COVID vừa qua, xu hướng phát triển thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ.

Việc giảm số lượng cửa hàng trực tiếp, tăng số lượng cửa hàng trực tuyến, tham gia vào các mạng lưới thương mại điện tử sẽ là khuynh hướng tất yếu đối với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản lý, ngành gỗ Bình Dương đang hoạch định những chiến lược bền vững nhằm phát triển thị trường.

Thời gian gần đây ngành gỗ đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc.

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành liên tiếp đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc do mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.

Ở khâu nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường kiểm soát rủi ro thông qua việc ban hành các văn bản như Nghị định 102/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu, danh sách vùng địa lý tích cực và danh sách các loài gỗ được nhập khẩu.

Tuy nhiên, do Nghị định đang ở giai đoạn đầu của quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vẫn còn chưa hiểu cặn kẽ các yêu cầu của Nghị định trong khâu nhập khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tỉnh Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành và sản xuất sản chưa phát triển.

Doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa, trình độ công nghệ của phần lớn doanh nghiệp đạt mức trung bình.

Số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài cho các doanh nghiệp đạt rất thấp.

Đặc biệt, việc tuân thủ các cam kết khắt khe từ EVFTA là “gánh nặng” rất lớn về thương mại, hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, môi trường, lao động…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục