Bình Dương phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách tạo đà phát triển bền vững

09:04' - 11/04/2023
BNEWS Bình Dương ưu tiên, cân đối ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến cuối năm 2022, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đạt tỉ trọng 67,1% - 22,8% - 2,7%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng; số hộ nghèo 5.971 hộ (chiếm tỷ lệ 1,54%), số hộ cận nghèo 1.827 (chiếm tỷ lệ 0,47%). 

Trong thành công đó không thể không nói đến vai trò của tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. 

Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại cần có những bước đột phá mới trong việc triển khai tín dụng chính sách. 

Đây là nội dung trao đổi giữa Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong buổi làm việc ngày 10/4.

Vốn ủy thác địa phương - nguồn lực quan trọng, thiết yếu 

 
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và tiếp đến là Kết luận số 06-KL/TW, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, cụ thể hóa nội dung vào hoạt động thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Trong đó, chủ động lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các Chương trình mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới của địa phương. Cơ cấu Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. 

Quan tâm bố trí nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn một cách hiệu quả, thiết thực. Sắp xếp bố trí đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở làm việc chi nhánh tỉnh và 08 Phòng giao dịch trực thuộc, trang thiết bị làm việc. 

Tỉnh cũng xây dựng, ban hành tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn địa phương từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương; chỉ đạo điều tra, rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo định kỳ hàng năm, đột xuất kịp thời để nhận diện đối tượng làm cơ sở cho NHCSXH thực hiện cấp tín dụng chính sách kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Kết quả của sự vào cuộc đồng bộ này sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.322 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 1.866 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nguồn vốn, tăng 1.802 tỷ đồng (tăng 28 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 

Thực hiện Công văn số 1850-CV/VPTU ngày 03/11/2022 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc xây dựng đề án nhận tiền gửi, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã xây dựng 03 đề án quản lý, sử dụng Quỹ dự trữ của ngân sách Tỉnh ủy chờ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền với việc tăng nguồn vốn ủy thác điạ phương phù hợp nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng đặc thù của tỉnh đã góp phần đưa vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 91 xã, phường, thị trấn, 586 khu, ấp toàn tỉnh; đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo tiêu chí địa phương. Tổng dư nợ đến 31/3/2023 đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 3.179 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với gần 81 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Thông qua hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đã góp phần tích cực giúp gần 47 ngàn lượt hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 200 ngàn lao động; gần 45 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hơn 290 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh; gần 1.000 hộ vay vốn xây mới, sữa chữa nhà ở, mua thuê mua nhà ở xã hội; 237 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 124 ngàn người lao động...

Tính đến 31/3/2023, tổng nợ quá hạn hơn 6 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ, giảm 0,19% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW cho thấy hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bản an sinh, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cần thêm nguồn vốn thực hiện các mục tiêu đề ra

Để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại điạ phương, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị, Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các Công văn triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh căn cứ các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo các cấp chính quyền tiếp tục ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tổng Giám đốc NHCSXH cũng đề nghị Tỉnh ủy sớm chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, chi nhánh NHCSXH tỉnh và các đơn vị có liên quan dự toán chi ngân sách địa phương đối với nguồn vốn đã ủy thác và nguồn vốn tăng trưởng mới giai đoạn 2023 - 2025 trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để tháo gỡ vướng mắc về nghiệp vụ ủy thác từ năm 2022 đến nay. Tăng cường tăng trưởng nguồn vốn cho tín dụng chính sách, mức tăng trưởng bình quân 10% theo phương thức Trung ương và địa phương đối ứng.

Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới (đặc thù) phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ; thực hiện lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trên địa bàn một cách bền vững gắn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc đề xuất Tỉnh ủy xem xét ủy thác Quỹ dự trữ của ngân sách Tỉnh ủy để cho cán bộ, công chức, viên chức đang khó khăn về nhà ở vay vốn mua nhà ổn định cuộc sống, góp phần thu hút nguồn nhân lực có chất lương vào lĩnh vực công.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, với lực lượng lao động khá lớn hiện đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương, NHCSXH cần quan tâm, tăng cường hơn nữa về vốn, tập trung hỗ trợ chương trình cho vay mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp để người lao động an cư lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với Bình Dương. 

Đồng thời, tỉnh sẽ ưu tiên, cân đối ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, tỉnh sẽ ủy thác 1.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương vào nguồn lực tín dụng chính sách xã hội thực hiện cho vay mua nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục