Bình Dương thông qua Nghị quyết cho ý kiến Dự án tuyến xe buýt nhanh

13:01' - 14/08/2016
BNEWS HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua Nghị quyết về việc cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) thành phố Mới Bình Dương - Suối Tiên tỉnh Bình Dương.
Bình Dương thông qua Nghị quyết cho ý kiến Dự án tuyến xe buýt nhanh. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm kết nối thông suốt, rút ngắn hành trình giao thông giữa các trục giao thông đô thị của tỉnh Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Đồng thời xây dựng mô hình điển hình về định hướng phát triển giao thông dọc theo tuyến Metro; góp phần gia tăng người sử dụng tuyến Metro số 1 Tp. Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên) thông qua thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng chất lượng cao và chuyển đổi phương thức giao thông cá nhân sang giao thông công cộng.

Dự án BRT là cơ sở để kéo dài tuyến Metro số 1 từ Tp.Hồ Chí Minh đến thành phố Mới Bình Dương. Dự án gồm tuyến xe BRT đi trên phần đường hiện hữu của các dự án đã xây dựng trên làn xe ưu tiên cho BRT có tổng chiều dài 30,8 km; xây dựng mới 7 cầu vượt bằng bê tông cốt thép, 4 cầu vượt bộ hành, 12 trạm dừng xe buýt, 15 vị trí đóng dải phân cách, 13 hệ thống tin hiệu giao thông thông minh… từng bước hình thành tuyến xe buýt đồng bộ hiện đại.

Dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đi qua Trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An. Nguồn vốn đầu tư dự kiến 1.827 tỷ đồng, gồm nguồn vay lại của Chính phủ (từ vốn vay của JICA) 1.650 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ 850 triệu yên Nhật) chiếm 90,29% tổng vốn đầu tư; vốn đối ứng phía Việt Nam 177 tỷ đồng (chiếm 9,71% tổng vốn đầu tư) do UBND tỉnh tự cân đối, bố trí theo quy định…

Dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào quý III và IV/2016; phê duyệt dự án quý I/2017; khởi công và hoàn thành năm 2018-2019.

Theo ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, qua thẩm tra cho thấy mục tiêu của Dự án phù hợp và đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển chung và phát triển mạng lưới giao thông công cộng của Bình Dương theo định hướng quy hoạch.

Dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng chất lượng cao, góp phần chuyển đổi phương thức giao thông công cộng, hiện đại thân thiện môi trường.

Không chỉ vậy, dự án còn giải quyết ùn tắc giao thông tại các giao lộ cắt với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tăng cường khả năng thông hành trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Mặt khác, dự án còn thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ có giá trị gia tăng cao, các khu đô thị, dịch vụ tại hai đô thị hạt nhân là thành phố Mới Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và dọc tuyến BRT./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục