Bình Dương xây dựng “vùng xanh”, thực hiện trạng thái “bình thường mới”

17:34' - 16/08/2021
BNEWS Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện các biện pháp để xây dựng “vùng xanh”, thực hiện trạng thái “bình thường mới” theo các mốc thời gian.

Tỉnh Bình Dương dự kiến sau khi trở về trạng thái bình thường mới sẽ triển khai ngay mô hình 3 xanh “Nhà máy xanh, Nhà trọ xanh và Công nhân xanh” tại khu vực “vùng xanh” trên cùng 1 địa bàn cấp huyện nhằm phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

*Từng bước tái sản xuất trong "vùng xanh"

Thực hiện chiến lược kiểm soát dịch bệnh song hành cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và toàn cầu, tỉnh Bình Dương đang từng bước tổ chức lại hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ ở các vùng xanh.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang có 4 địa phương phía Bắc (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên) đạt tiêu chuẩn “vùng xanh”. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện các biện pháp để xây dựng “vùng xanh”, thực hiện trạng thái “bình thường mới” theo các mốc thời gian.

Cụ thể, sau ngày 15/8, thực hiện đối với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đang hoạt động; 4 địa phương ở phía Bắc gồm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng phải quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được “vùng xanh” để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm căn cứ địa, vùng đệm vững chắc cho tấn công dịch tại các địa phương phía nam.

Riêng 4 địa phương ở phía Nam đang còn ở “vùng đỏ” gồm thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, phấn đầu có 100% các phường của 3 thành phố và 1 thị xã sẽ kiểm soát được tình hình và thực hiện "xanh hóa" trên toàn địa bàn sau 30/8/2021.

Tỉnh đang thực hiện nhanh chóng xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu. Những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc thì khóa chặt, kiểm soát người ra, vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất có thể để bóc tách và chuyển nhanh F0 đưa đi cách ly; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 để mở rộng độ bao phủ toàn dân trên địa bàn tỉnh, tạo “vùng xanh” lâu dài, vững chắc cho các địa phương.

4 địa phương vùng xanh,  sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 22/8/2021. Sau thời gian này, nơi nào đảm bảo các tiêu chí và an toàn thì nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội từng bước, đồng bộ các giải pháp để có thể đưa địa phương về trạng thái “bình thường mới” bền vững.

Từ ngày 23/8/2021, tỉnh mở cửa hoạt động trở lại đối với các hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Thực hiện phương án tổ chức lại sản xuất của các doanh nghiệp trong tình hình mới theo hướng dẫn của tỉnh nhằm vừa đảm bảo sản xuất an toàn, vừa tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng (các khu trọ, chỗ ở của công nhân) vào trong doanh nghiệp và ngược lại; trong đó, thực hiện xét nghiệm sàng lọc (PCR mẫu gộp) trước khi công nhân vào nhà máy sản xuất; cấp giấy đi đường cho công nhân, người lao động di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc trên các địa bàn thuộc khu vực “vùng xanh”.

Tỉnh tiếp tục triển khai các công trình, dự án đầu tư công nhưng phải đảm bảo an toàn theo quy định phòng, chống dịch tại các khu vực “vùng xanh” trên địa bàn huyện.

*Thí điểm “Nhà trọ xanh”

Để chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại đối với các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn tỉnh sắp tới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định tổ chức thí điểm các “nhà trọ xanh” kết hợp với “nhà máy xanh” thực hiện mô hình sản xuất “một cung đường, hai điểm đến” trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Thuận An làm cầu nối giúp doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhà trọ tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng thuê và cho thuê trọ dài hạn theo hướng mỗi nhà trọ chỉ cho một doanh nghiệp thuê và 100% người thuê trong các dãy trọ làm chung một doanh nghiệp.

Hướng đi này được đánh giá là giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở các khu trọ và nhà máy sản xuất; đồng thời cũng giúp các bên liên quan đạt được những lợi ích nhất định.

Chính quyền sẽ quản lý tốt hơn các yếu tố dịch tễ; doanh nghiệp bảo đảm nguồn nhân lực làm việc lâu dài; cơ sở kinh doanh nhà trọ luôn kín phòng với thời hạn cam kết lâu dài và người lao động sẽ được chăm lo tốt hơn, được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 sớm hơn và công việc bảo đảm ổn định hơn trước; doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt tình hình sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có hướng hỗ trợ, chăm lo kịp thời.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An cho biết, việc tổ chức lại hệ thống nhà trọ theo hướng quy tụ, tập trung công nhân lao động làm việc cùng một doanh nghiệp về ở chung tại những dãy trọ nhất định được kỳ vọng sẽ giúp Bình Dương giải quyết tốt bài toán vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

Thành phố sẽ sớm kết nối các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhà trọ để thiết lập các khu “nhà trọ xanh” trong tuần này. Thành phố cũng sẽ cố gắng làm tốt việc khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh để hướng tới mục tiêu sau 31/8 tới đây cho phép các doanh nghiệp mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục