Bình Phước cần hơn 10.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống thủy lợi

16:29' - 04/08/2022
BNEWS Tỉnh Bình Phước đang cần nguồn vốn khoảng 10.400 tỷ đồng để nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Đây là nội dung của đề án nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn vừa được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt. 

 
UBND tỉnh Bình Phước cho biết mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Công suất cấp nước đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm giai đoạn 2026-2030.

Bên cạnh, việc mở rộng các tuyến ống truyền tải cấp nước trên địa bàn, nhằm từng bước hình thành các khu vực cấp nước liên huyện, các nhà máy trong cùng một khu vực có thể bổ sung, hỗ trợ để cấp nước an toàn liên tục, kết nối vùng.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đầu tư xây mới 12 công trình thủy lợi, trong đó có 4 dự án được bố trí nguồn vốn từ Trung ương và vốn vay ODA, 8 dự án do tỉnh Bình Phước bố trí vốn.

Giai đoạn 2026 – 2030 đầu tư xây dựng mới 6 dự án và 17 công trình nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả của công trình. Giai đoạn này tỉnh đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với công trình cấp nước, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước đầu tư mới và nâng công suất 19 công trình nhà máy nước chính với tổng công suất thiết kế 473.400 m3/ngày đêm; công suất cấp nước thực đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm.

Đến giai đoạn 2025-2030, nâng công suất tổng thiết kế lên 722.900 m3/ngày đêm, công suất cấp nước thực đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm. Đồng thời, đấu nối mở rộng các tuyến ống của các nhà máy nước hiện hữu.

Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 5.550 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 4.934 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn vay và vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước. Trong đó, khoảng hơn 6.680 tỷ đồng thực hiện đề án đối với cả hai giai đoạn trên là nguồn vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước.

Bình Phước là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với trên 457.000 ha; trong đó, cây hàng năm hơn 27.600 ha; cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 429.800 ha.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2.264 ha. Đối với cây trồng chủ lực của tỉnh, cây cao su chiếm diện tích lớn nhất với 246.659 ha, cây điều 139.868 ha (chiếm 50% diện tích, 50% sản lượng điều của cả nước), hồ tiêu 15.900 ha, cây ăn quả các loại chiếm diện tích 12.300 ha.

Đối với phát triển công nghiệp, hiện nay Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 khu công nghiệp.

Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha.

Ngoài ra, tỉnh Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha, trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục