Bình Thuận đặt mục tiêu có 10.500 ha thanh long VietGAP

16:02' - 03/07/2024
BNEWS UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Chương trình đặt ra mục tiêu, đến cuối năm 2024, Bình Thuận phấn đấu có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó huyện Hàm Thuận Nam có 8.100 ha.

 

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng các tổ hợp tác, nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định.

Trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân tổ chức xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.

Hiệp hội thanh long vận động các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm, hợp tác xã sản xuất thanh long VietGAP để có vùng nguyên liệu thanh long an toàn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; hướng dẫn đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất thanh long theo VietGAP.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xác định Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền địa phương, cần kiên trì với quyết tâm cao để chỉ đạo thường xuyên nâng cao chất lượng tư vấn chứng nhận trong sản xuất; góp phần giúp người sản xuất VietGAP một cách thực chất và giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kể từ năm 2009 đến nay, chương trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, gọi tắt VietGAP đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân Bình Thuận, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay.

Mặc dù quy trình sản xuất chặt chẽ với nhiều quy định về vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng từ thực tế cho thấy, VietGAP đã giúp người trồng thanh long ở Bình Thuận tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; đồng thời đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, nhất là đã mở ra hướng đi bền vững cho trái thanh long vào những thời điểm được mùa- rớt giá, ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19.

Thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh; giúp người dân xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: dịch bệnh cây trồng, tình trạng hạn hán kéo dài, thị trường ngày càng khắt khe…

Điều này khiến cả diện tích lẫn sản lượng thanh long Bình Thuận bắt đầu giảm dần. Số liệu Cục thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh còn 26.550 ha thanh long với sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 325.000 tấn. So với thời điểm cuối năm 2020, diện tích thanh long đã giảm hơn 7.000 ha.

Vì vậy, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu không chỉ nhằm tạo ra trái thanh long chất lượng, đảm bảo năng suất sản xuất mà còn góp phần nâng cao giá trị trái thanh long, đáp ứng nhu cầu thị trường, xuất khẩu thanh long vào thị trường khó tính theo đường chính ngạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục