Tổ chức sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP để cạnh tranh với nông sản các quốc gia

14:28' - 23/11/2023
BNEWS Tổ chức sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để sẵn sàng cạnh tranh với nông sản các quốc gia.
Sáng 23/11, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị Phổ biến cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP). Việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng, để đáp ứng các yêu cầu khi xuất khẩu nông sản.
 
"Quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm, sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm. Việc này sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh.

 
Ông Ngô Xuân Nam cho biết, Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại song phương và đa phương; trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về SPS mà Việt Nam phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Riêng Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand với nhiều cam kết; trong đó có cam kết về SPS mà Việt Nam tham gia.

Theo ông Ngô Xuân Nam, hàng tháng Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS từ các nước với nội dung về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm…

Hiện Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Có thể thấy gần đây Trung Quốc đã ban hành các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với từng ngành hàng.


Thông tin rõ hơn về thị trường Trung Quốc, ông Lò Xuân Quyết, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết, Việt Nam thuộc top 10 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giá trị nông sản Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.

Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chi Lê.

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với thủy sản, rau quả…  còn rất lớn. Riêng trái cây, thời gian tới, sầu riêng dự báo sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các loại trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Lò Xuân Quyết cảnh báo, Việt Nam cũng có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều, nhất là thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại.

Các lỗi bị cảnh báo thường là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; hồ sơ kèm theo hàng hóa như: thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu; tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...

Trung Quốc ngày càng coi trọng và lấy tiêu dùng nội địa là động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, lấy tiêu dùng bù đắp cho xuất khẩu. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ông Lò Xuân Quyết khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần phát huy lợi thế vị trí địa lý; giá thành sản xuất, vận tải; các sản phẩm nhiệt đới… để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu lớn của thị trường Trung Quốc. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp nên có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu. Hàng Việt cần sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Lò Xuân Quyết nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục