Bình Thuận hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

12:48' - 13/04/2017
BNEWS Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bình Thuận xác định là yếu tố then chốt nhằm tạo bước đột phá trong quá trình hội nhập.
Trang trại thanh long ứng dụng công nghệ cao. Ảnh Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Thanh long là cây trồng chủ lực của Bình Thuận, với tổng diện tích khoảng 27.000 ha, tổng sản lượng khoảng 500.000 tấn (chiếm 72% diện tích và 76,4% sản lượng toàn quốc). Ngoài ra, thanh long còn là một trong 5 mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại trồng thanh long an toàn phục vụ xuất khẩu, ông Võ Huy Hoàng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân rau quả Bình Thuận cho biết, sau 5 năm đầu tư hàng chục tỷ đồng, trang trại với quy mô 20ha luôn tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt nhất đảm bảo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Toàn bộ hệ thống tưới tại trang trại được đầu tư bài bản ngay từ đầu, áp dụng công nghệ Israel, ngoài ra còn có hệ thống tới trên cao và tưới bộ (công nhân trực tiếp cầm vòi đi tưới).

Nhờ đó, sản phẩm thanh long của doanh nghiệp luôn đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu như Arab Saudi, Singapore. Trong 5 năm qua, chưa có một lô hàng thanh long xuất khẩu nào bị trả lại.

Hiện thanh long của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới với sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm. Chỉ tính riêng sản lượng thanh long của trang trại này là 500 tấn mỗi năm, phục vụ xuất khẩu đi các thị trường khó tính, số còn lại thu mua từ các nông hộ và trang trại khác.

Toàn bộ sản phẩm thu mua thêm từ các nông hộ doanh nghiệp đều bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ về giá, đảm bảo thu nhập cho người trồng.

Nói về đầu ra cho sản phẩm thanh long, ông Võ Tính, Trưởng phòng Kế hoạch doanh nghiệp rau quả Bình Thuận cho hay, sản phẩm thanh long của doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch 100%, mỗi năm thu về từ 150 - 200 tỷ đồng. Mặc dù đầu ra còn có thể được nhiều hơn nữa nhưng doanh nghiệp luôn giữ ổn định ở ngưỡng 10.000 tấn/năm.

Lý do mà doanh nghiệp không mở rộng thêm thị trường là để kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của doanh nghiệp. Đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp cung ứng cho nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước.

Đặc biệt, doanh nghiệp đang hướng tới trồng thanh long hữu cơ với diện tích khoảng 7ha. Hiện doanh nghiệp đang hoàn thiện các thủ tục để có thể triển khai ngay trong thời gian tới.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra thanh long trước khi thu hoạch. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao do Công ty TNHH Thông Thuận làm chủ đầu tư tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình. Dự án có quy mô tổng đàn 23.600 con; trong đó 17.300 bò sữa và 6.300 bò thịt.

Dự án sẽ là hạt nhân cung cấp con giống, dịch vụ, khuyến nông để phát triển ngành chăn nuôi bò tại địa phương.

Ông Trương Hữu Thông, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận cho biết, Bình Thuận là địa phương rất có tiềm năng đối với chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi bò. Bên cạnh đó, điều kiện để trồng cỏ và ngô rất thuận lợi cho thể trồng quanh năm.

Đây là trang trại bò đầu tiên của Bình Thuận áp dụng công nghệ hiện đại. Hiện công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa với quy mô hơn 20.000 con bò sữa, trong đó, công ty nuôi 10.000 con và nhân dân cùng doanh nghiệp khác nuôi 10.000 con.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt hiện đã bắt đầu hình thành và khá suôn sẻ. Doanh nghiệp đã nhập về trên 5.000 con bò giống từ Australia để nhân giống.

Hiện người dân khu vực Bắc Bình đã bắt đầu mua bò giống và được chuyển giao quy trình chăn nuôi bò giống mới. Triển vọng thay đổi nền sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đang rất tốt.

“Tôi kì vọng vào sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bình Thuận. Chúng ta không còn chờ gì nữa mà phải làm ngay khi nước đã về, dự án đã có. Chính phủ đã dành riêng gói tín dụng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng vay ưu đãi của Chính phủ. Cần phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm và điều chỉnh lại lại cơ cấu nông nghiệp” - Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh.

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện tại, tỉnh đã quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long với quy mô 52ha tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản Chí Công với quy mô 154ha tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong.

Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào các khu nông nghiệp này.

Tỉnh cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về mặt kỹ thuật, xây dựng quy trình chuẩn về thâm canh cây thanh long; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm thanh long để có cơ sở quản lý chất lượng.

Công nhân chăm sóc thanh long. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thanh long để nhân rộng ra toàn tỉnh.

Về xây dựng mô hình thí điểm sản xuất thanh long theo chuỗi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, các doanh nghiệp lớn nhập khẩu thanh long cũng đang muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và nông dân để xây dựng vùng sản xuất, tiêu thụ thanh long.

Bộ đang chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật tiếp xúc với phía Trung Quốc để đẩy nhanh tiến trình hợp tác này. Và nếu được, Bình Thuận sẽ được chọn là địa phương đầu tiên làm thí điểm mô hình.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngoài cây thanh long, Bình Thuận cần nghiên cứu phát triển các loại cây trồng khác để đa dạng thêm. Bộ sẽ giúp tỉnh thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển các loại trái cây.

Hiện nay, Bình Thuận đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Mục tiêu của đề án đến năm 2020, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ cao: Thanh long ứng dụng công nghệ cao 3.500 ha; vùng lúa giống 400 - 450 ha; tôm giống 154 ha; vùng rau an toàn 80-100 ha; vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi 300 - 500 ha.

Bình Thuận phấn đấu tỷ lệ người chăn nuôi được sử dụng các giống heo tiến bộ, chất lượng cao ở heo đạt trên đạt trên 90%, bò trên 70%, gia cầm trên 50%; 90 - 95% diện tích lúa được sử dụng giống xác nhận, giống thủy sản nuôi trồng sạch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục