Bình Thuận phát triển mạnh thanh long VietGAP

17:45' - 24/07/2017
BNEWS Việc triển khai chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP đã góp phần tạo nên thương hiệu thanh long Bình Thuận.
Bình Thuận phát triển mạnh thanh long VietGAP. Ảnh minh hoạ: TTXVN

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình phát triển thanh long VietGAP (bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam).

Bình Thuận hiện có hơn 27.000 ha thanh long (tăng 135 ha so với cuối năm 2016) với sản lượng hơn 277.000 tấn.

Sau những năm triển khai chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP, quy trình này đã đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay.

Sản xuất VietGAP từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, góp phần giữ uy tín và chất lượng cho sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay diện tích sản xuất thanh long VietGAP đạt 7.680 ha (chiếm tỷ lệ 28,27% diện tích thanh long cả tỉnh) với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia và hình thành được 382 tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, cả tỉnh đã đánh giá và chứng nhận cho 75 tổ, nhóm, trang trại với tổng diện tích 1.442 ha; trong đó diện tích tái cấp chứng nhận là hơn 1.100 ha.

Tại cuộc họp, đại diện các ngành, địa phương đều cho rằng, sản xuất thanh long theo hướng VietGAP tạo môi trường thuận lợi để đáp ứng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn đồng thời đáp ứng việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Mặt khác, sản xuất VietGAP góp phần cải thiện môi trường sản xuất, giảm tình trạng lạm phát thuốc bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, phát triển thanh long VietGAP hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Số diện tích đánh giá tái cấp chứng nhận giảm nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, một số xã không có diện tích nào được đánh giá chứng nhận như: xã Hồng Liêm, Hàm Trí, Thuận Minh của huyện Hàm Thuận Bắc, một số xã của huyện Bắc Bình…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp và hợp tác xã thanh long tiêu thụ trái theo dạng tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thu mua sản phẩm thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên người dân còn xem nhẹ và chưa mặn mà với sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, một số địa phương thiếu đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt đối với việc phát triển sản xuất theo hướng VietGAP…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, đặc biệt phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 9.700 ha thanh long sản xuất theo VietGAP, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền người dân.

Trước hết, phải nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản sạch; trong đó có thanh long, từ đó để người dân hiểu rằng sản xuất VietGAP là vì quyền lợi cho người nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp củng cố các tổ, nhóm sản xuất thanh long theo VietGAP để tránh tình trạng hủy bỏ, không tham gia tái chứng nhận.

Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội Thanh long xây dựng các chuỗi liên kết có truy xuất nguồn gốc và khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm sản xuất thanh long để tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP…/.

>>>Hiệu quả từ chương trình Hỗ trợ nông dân trồng Thanh long: Bài 1: Mục tiêu tiết kiệm

>>>Hiệu quả từ chương trình Hỗ trợ nông dân trồng Thanh long: Bài 2: Hiệu quả thiết thực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục