Bình Thuận quản lý mã số vùng trồng thanh long

11:03' - 14/10/2021
BNEWS Tính đến tháng 9/2021, Bình Thuận có 78 vùng trồng và 268 cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số.

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là rất cần thiết để thanh long Bình Thuận đáp ứng được nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu bền vững. Cùng với việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng, tỉnh Bình Thuận tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Bên cạnh việc cấp mã số vùng trồng thì mã số cơ sở đóng gói cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, là một trong những yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu đồng thời phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ năm 2018, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã bắt đầu triển khai thống kê vùng trồng và nhà đóng gói thanh long để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói thanh long Bình Thuận.
Tính đến tháng 9/2021, Bình Thuận có 78 vùng trồng và 268 cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số. Kết quả này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người sản xuất và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và bền vững.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc sử dụng mã số nhà đóng gói thanh long đã được cấp mã số của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa tuân thủ đúng quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói theo quy định. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và xuất khẩu trái thanh long trên thị trường quốc tế cũng như thị trường Trung Quốc.
Để việc sản xuất và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh được bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở nhà đóng gói thanh long theo đúng quy định của pháp luật.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra việc sử dụng mã số nhà đóng gói, việc sử dụng mã vùng trồng đã được cấp. Việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh; trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch hại tại các vùng trồng thanh long đã được cấp mã số xuất sang Trung Quốc, chú ý các loài rệp gây hại. Trường hợp phát hiện các loài rệp là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vườn trồng hoặc tại cơ sở đóng gói được cấp mã số thì bắt buộc xử lý, loại bỏ triệt để khỏi lô hàng trước khi xuất khẩu.

Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp khắc phục các loài sinh vật gây hại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất và cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện đúng quy định.

Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước với diện tích hiện lên đến 33.700 ha, trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.900 ha, GlobalGAP đạt 510 ha. Thanh long được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 650.000 tấn/năm.

Toàn tỉnh có khoảng 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long và 6 cơ sở chế biến thanh long (rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo...)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục