Bitcoin: Cảnh báo từ những "lỗ hổng thiết kế"!

11:32' - 15/02/2018
BNEWS Ở nhiều nước, bitcoin cho đến nay vẫn không được thừa nhận, còn một số đang xem xét việc kiểm soát hoặc cấm giao dịch liên quan đến đồng tiền ảo.
Đồng bitcoin: Cảnh báo từ những "lỗ hổng thiết kế". Ảnh: TTXVN

Cơn sốt bitcoin trong năm 2017 hẳn đã lôi cuốn không ít nhà đầu tư theo nó, nhất khi là giá đồng tiền ảo này đạt đỉnh. Nhưng là đồng tiền được giao dịch không theo một quy định nào, vì thế không ai bảo vệ các nhà đầu tư trước những thiệt hại khi đồng tiền này lao dốc như đã được cảnh báo. Ở nhiều nước, bitcoin cho đến nay vẫn không được thừa nhận, còn một số đang xem xét việc kiểm soát hoặc cấm giao dịch liên quan đến đồng tiền ảo. 

Tụt dốc từ đỉnh cao 

Ra đời từ năm 2009, bitcoin được giao dịch trên mạng Internet mà không hề có ngân hàng trung ương hay chính phủ nào đứng sau và đồng tiền này được vận hành nhờ các thuật toán phức tạp do máy tính thực hiện. Các khoản thanh toán được tiến hành trực tiếp trong khi người trao đổi không cần cung cấp thông tin cá nhân cụ thể. Bitcoin có thể được dùng trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ hoặc trao đổi các loại tiền tệ khác, với điều kiện bên còn lại sẵn sàng chấp nhận giao dịch loại tiền này. 

Đồng bitcoin thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận từ ngày 10/12 khi hai sàn giao dịch lớn tại Chicago được chính quyền Mỹ cho phép tiến hành giao dịch các hợp đồng tương lai của đồng tiền ảo này. Sàn CBOE bắt đầu giao dịch các hợp đồng kể trên vào ngày 10/12, còn sàn CME bắt đầu một tuần sau đó. 

Đồng tiền ảo lớn nhất và phổ biến này đã tăng giá khoảng 20 lần kể từ đầu năm 2017, từ mức chưa đầy 1.000 USD lên 19.666 USD trên sàn giao dịch Bitstamp, có trụ sở tại Luxembourg (Lúc-xăm-bua) hôm 17/12 và hơn 20.000 USD tại các sàn giao dịch khác. Tuy nhiên, bitcoin đã giảm hơn 30% giá trị và rơi xuống dưới mức 12.000 USD trong phiên 22/12, khi giới đầu tư đã bán phá giá đồng tiền này. 

Hiện tượng bán tháo đồng bitcoin đã nhanh chóng lan sang cả hoạt động giao dịch những đồng tiền ảo khác như dash, litecoin và ripple khi giá trị của những đồng đó cũng đồng loạt lao dốc. Giới chuyên gia nhận định đây là cơ hội cho các nhà đầu tư được kiểm chứng xu hướng đầu tư vốn bị cảnh báo là tiềm ẩn nhiều rủi ro này. 

Ngày 17/1, giá trị đồng bitcoin đã giảm xuống dưới 10.000 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 1/12/2017, sụt giá gần 50% so với thời điểm đạt giá cao nhất. Theo giới phân tích, việc đồng bitcoin mất giá có thể do nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, gần đây phát đi tín hiệu sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm siết chặt các giao dịch bằng tiền ảo. 

Thị trường tiền ảo trải qua biến động lớn sau khi Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang xem xét việc cấm các sàn giao dịch tiền ảo dù sau đó đã rút lại thông báo. Hàn Quốc là nơi tập trung một số sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, hiện chiếm khoảng 20% lượng giao dịch bitcoin trên toàn cầu, nên hãng tư vấn Capital Economics cho rằng một lệnh cấm có thể sẽ làm gián đoạn giao dịch của đồng tiền này. 

Nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc công ty dự báo tỷ giá FXTM cũng cho rằng sự hoảng loạn của thị trường là do các động thái liên quan đến việc kiểm soát đồng bitcoin, khi giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền này đã vượt 600 tỷ USD vào giữa tháng 12 năm ngoái. Ông cho rằng những thông tin Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý đối với đồng bitcoin gây lo ngại về những hạn chế trong tương lai, có thể khiến đồng tiền này xuống giá hơn nữa trong ngắn hạn. 

Những cảnh báo về rủi ro 

Mặc dù giới đầu tư mạnh tay đổ tiền vào mua bitcoin, một số ngân hàng trung ương, tập đoàn ngân hàng lớn và chuyên gia phân tích e ngại về tính bảo mật và nguy cơ "bong bóng" của đồng bitcoin. Đồng tiền ảo này chưa được đưa vào giao dịch ở các ngân hàng lớn trên thế giới, do có nhiều thông tin cho rằng bitcoin là một công cụ để trốn thuế hay rửa tiền. 

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda mới đây nhận định rằng sự tăng giá của đồng bitcoin là “bất thường” và cho rằng đồng bitcoin đang được giao dịch với mục đích đầu tư hoặc đầu cơ. Phát biểu tại một buổi hội thảo, ông Kuroda nhấn mạnh có một sự khác biệt rõ ràng giữa tiền ảo và các đồng tiền thông thường như yen và USD là tiền ảo không có sự kiểm soát của một ngân hàng trung ương hay một chính phủ. 

Bộ trưởng Tài chính Na Uy, Siv Jensen cũng lên tiếng cảnh báo về rủi ro lớn khi đầu tư vào đồng bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Theo bà Jensen, với mức độ biến động lớn của giá trị tiền ảo, các nhà đầu tư có vốn đệm thấp đối mặt với rủi ro rất cao. Bên cạnh đó, bà Jensen lưu ý rằng những quy định đối với hoạt động đầu tư và thương mại bằng tiền ảo vẫn rất “mỏng”. 

Thống đốc Ngân hàng trung ương Đan Mạch đã gọi đây là một canh bạc "chết người", và có những lo ngại về sự đảm bảo trong hoạt động trao đổi mua-bán các đồng tiền ảo. 

Chủ tịch Ngân hàng trung ương Brazil Ilan Goldfajn cho rằng bitcoin có thể đe dọa sự ổn định của nền tài chính thế giới nếu như người sở hữu gia tăng đầu cơ loại tiền này, dẫn tới tình trạng "bong bóng". Theo ông, bitcoin là một loại "bóng bóng điển hình" mà các cơ quan quản lý không được cổ súy. 

Trong lúc Chủ tịch Ngân hàng trung ương Peru Julio Velarde nhận định bitcoin đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao. Theo ông, các chủ đầu tư không nên dồn tiền cho bitcoin, bởi đồng tiền này không có sự đảm bảo an toàn bền vững, ngay cả khi Sở Giao dịch chứng khoán Chicago (Mỹ) đã chấp thuận đồng tiền này khiến giá trị của Bitcoin tăng vọt. 

Sự trượt giá thảm hại của đồng bitcoin diễn ra trong bối cảnh nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng "bong bóng bitcoin" có thể xì vỡ bất kỳ lúc nào khi rất nhiều nhà đầu tư, hầu hết non kinh nghiệm, đổ xô vào lĩnh vực tiền ảo với hy vọng đón đầu xu hướng lợi nhuận mới. Bà Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng về thị trường toàn cầu tại Invesco ở New York, nhận định diễn biến mới nhất về giá đồng bitcoin cho thấy đồng tiền này vẫn là một hình thức đầu tư mang tính đầu cơ. 

Theo Giám đốc điều hành Jamie Burke của công ty liên doanh vốn Outlier Ventures, đồng bitcoin đã bị định giá quá mức trên thị trường, đặc biệt trong những tháng gần đây. 

Và sự chối từ 

Ngoại trừ Nhật Bản, các nền kinh tế lớn đều không chào đón bitcoin. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen nói rằng bitcoin không phải là hình thức thanh toán hợp pháp và yêu cầu các ngân hàng bảo đảm các giao dịch tiền ảo tôn trọng quy chế chống rửa tiền, nhấn mạnh đây là một tài sản rất đáng nghi. 

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng không nên cho phép mở tài khoản bằng đồng bitcoin tại các ngân hàng Thụy Sỹ để phòng tránh nguy cơ bị sử dụng cho các hoạt động phi pháp. Ông Mnuchin cam kết phối hợp với chính phủ các nước khác, trong đó có các thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, để giám sát những đối tượng đầu tư mạnh vào đồng tiền kỹ thuật số này. 

Trong một phát biểu với nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, ông Ewald Nowotny, thành viên Hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã kêu gọi các chính phủ quản lý và đánh thuế đối với bitcoin, cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này dễ bị lợi dụng để đầu cơ và là một công cụ rửa tiền. Ông Nowotny cho rằng cần áp dụng quy định cơ bản trong mỗi một giao dịch tài chính, yêu cầu những người có liên quan đều phải cung cấp danh tính, đồng thời chính phủ các nước cũng cần phải đánh thuế giá trị gia tăng đối với bitcoin, vì đây không phải là một loại tiền tệ. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tuần báo NZZ am Sonntag, Chủ tịch Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ Axel Weber cho rằng đồng tiền ảo này có "nhiều lỗ hổng thiết kế" lớn. Ông Weber đã cảnh báo các nhà đầu tư cần phản đối việc đưa đồng bitcoin vào thị trường tài chính, đồng thời cho rằng "bong bóng” bitcoin chắc chắn sẽ xì vỡ. 

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley thì tuyên bố đồng tiền ảo bitcoin và bất kỳ những đồng tiền ảo nào tương tự đều không phải là tiền tệ hợp pháp và các bên tham gia giao dịch liên quan đến những đồng tiền này phải tự gánh chịu rủi ro. Quyết định của Chính phủ Ấn Độ, với nền kinh tế trị giá gần 2300 tỷ USD, đứng thứ 6 thế giới, sẽ là đòn giáng tiếp theo đánh vào giá trị của đồng bitcoin sau khi nhiều nước không thừa nhận hoặc cảnh báo về nguy cơ rủi ro của đồng tiền ảo này. 

Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung để hạn chế đầu cơ vào tiền ảo ở nước này. Các biện pháp mới có thể bao gồm việc cấm mở các tài khoản tiền ảo ẩn danh và quy định mới cho phép các nhà chức trách đóng cửa các sàn tiền ảo nếu cần. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã vài lần cảnh báo rằng đồng tiền ảo không thể đóng vai trò như tiền thật và có thể gây thiệt hại lớn do tính biến động cao. 

Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) cũng đã khẳng định quan điểm không thừa nhận tiền ảo bitcoin và cho biết sẽ hợp tác với cơ quan chống rửa tiền để ngăn chặn nguy cơ tiền ảo trở thành công cụ rửa tiền. BOT cũng cảnh báo người dân không đầu tư vào tiền ảo do ẩn chứa rất nhiều rủi ro. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục