Chuỗi ngày "ngự trị" của bitcoin sắp kết thúc?

11:13' - 14/02/2018
BNEWS Ra mắt thị trường tiền tệ vào năm 2013, đồng tiền ảo Dogecoin đã từng có khá ít ứng dụng thương mại mà chỉ được dùng chủ yếu để tặng tiền “bo” qua mạng.
Đồng bitcoin có giá 1.000 USD hồi đầu năm nhưng vào giữa tháng 12/2017 đã tiến gần đến ngưỡng 20.000 USD. Ảnh: TTXVN

Thế nhưng thời gian gần đây, đồng tiền kỹ thuật số này đã tăng giá chóng mặt và tính đến ngày 7/1/2018, trị giá tính bằng đồng USD của tổng lượng Dogecoin đang được lưu thông trên thị trường đạt 2 tỷ USD, một minh chứng cho “sự điên rồ” trên các thị trường tiền kỹ thuật số trong thời gian vừa qua.

Câu chuyện của Dogecoin cho thấy bitcoin không còn là quân cờ duy nhất trong cuộc chơi này nữa, khi giá trị vốn hóa của bitcoin hiện chỉ chiếm 1/3 thị trường tiền kỹ thuật số.

Mỗi ngày dường như đều có một loại tiền ảo mới ra đời, thường là thông qua các vụ chào bán tiền ảo ra công chúng lần đầu (ICO), một hình thức gọi vốn trực tuyến. Trang web CoinMarketCap là nơi niêm yết khoảng 1.400 loại tiền số, hay token, và tính đến ngày 10/1 có khoảng 40 đồng tiền ảo đã có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD.

Đứng đầu danh sách sau bitcoin phải kể đến ethereum với giá trị vốn hóa 137 tỷ USD. Thành công của ethereum đã kéo theo sự ra đời của các bản sao như đồng cardano với giá trị vốn hóa 20 tỷ USD và đồng NEO, phiên bản Trung Quốc của ethereum, với giá trị vốn hóa 8 tỷ USD.

Ripple cũng là một đồng tiền ảo gây được tiếng vang lớn. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng ripple đã tăng hơn 40.000% trong năm 2017 và chạm mức gần 149 tỷ USD tính đến ngày 14/1, trước khi sụt giảm xuống còn 78 tỷ USD sau đó.

Các đồng tiền ảo kém nổi hơn cũng có dấu ấn nhất định. Đồng monero và zcash, với giá trị vốn hóa lần lượt là 6 tỷ USD và 2 tỷ USD, tập trung vào cơ chế bảo mật.

Trong khi đó, đồng stellar với giá trị vốn hóa 9,8 tỷ USD lại phát triển một hệ thống chuyển tiền giá rẻ được các tổ chức từ thiện, nhất là ở các nước nghèo, cũng như ngân hàng và các công ty chuyển tiền sử dụng.

Có giá trị vốn hóa 10,1 tỷ USD, đồng IOTA lại cho phép các máy được kết nối với nhau có thể trao đổi thông tin và các khoản thanh toán một cách an toàn.

Ngoài ra, những người đồng phát minh ra bitcoin hồi tháng 8/2017 đã tách ra riêng vì không hài lòng với cách vận hành đồng tiền này và tạo ra bitcoin cash với giá trị vốn hóa hiện đạt 46 tỷ USD.

Không thể loại trừ khả năng các đồng tiền nói trên có thể lấn lướt bitcoin trên thị trường tiền ảo, khi “ông lớn” này đang bộc lộ nhiều khuyết điểm, như các vấn đề về quản trị có thể sẽ sớm dẫn đến một cuộc chia tách nữa của bitcoin, và phí thực hiện các giao dịch của đồng tiền này trung bình lên đến gần 30 USD.

Tuy nhiên, các đồng tiền khác cũng có những điểm yếu. Phí người dùng ethereum đã tăng mạnh và hệ thống này cũng tiếp tục lộ ra những lỗ hổng kỹ thuật. Còn về ripple, nhiều người cũng đặt câu hỏi về mức độ sử dụng thực sự của đồng tiền này.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì thị trường tiền ảo sẽ chỉ ngày một đông đúc. Kodak, nhà sản xuất máy ảnh hơn 130 năm tuổi của Mỹ, mới đây tuyên bố sẽ phát hành tiền ảo để giúp các nhiếp ảnh gia thu tiền sử dụng các hình ảnh của mình.

Telegram, dịch vụ nhắn tin với 180 triệu người dùng trên toàn thế giới, còn tham vọng hơn khi đặt mục tiêu huy động 1,2 tỷ USD thông qua phát hành một token có tên Gram có thể được dùng để thanh toán cho một loạt dịch vụ từ lưu trữ trực tuyến đến các mạng riêng ảo.

Ngay cả Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng được cho là đã bắt đầu nhăm nhe tạo ra một token riêng. Nếu quả thực như vậy thì chuỗi ngày bitcoin thống trị thị trường tiền ảo gần như chắc chắn sắp đến hồi kết.

>>>Tiền ảo: Quản lý để tránh rủi ro cho nền tài chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục