Bộ Công Thương: Có thể hoàn thành mục tiêu kiềm chế nhập siêu

18:48' - 22/10/2015
BNEWS Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh mục tiêu giữ nhập siêu bằng 5% kim ngạch xuất khẩu là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Dây chuyền sản xuất giày của Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (KCN Tân Đông Hiệp A, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Trước những lo ngại về nhập siêu đang quay trở lại và sẽ cao hơn kế hoạch của năm nay, tại cuộc làm việc với các Hiệp hội ngành hàng về tổng kết xuất khẩu 9 tháng đầu năm và giải pháp cho xuất khẩu 3 tháng cuối năm chiều 22/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nhập siêu không phải là hiện tượng đặc biệt của năm nay mà đã được dự báo trước. Con số nhập siêu không đáng lo và mục tiêu giữ nhập siêu bằng 5% kim ngạch xuất khẩu là hoàn toàn có thể thực hiện được. 

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhằm góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua cho năm 2015 là tăng trưởng xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, các Cục, Vụ quản lý sản xuất phối hợp với cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là tăng 10% so với năm 2014, nhưng 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 73,2%. Do đó, bình quân mỗi tháng cuối năm, Việt Nam phải đạt hơn 14,7 tỷ USD mới cán đích.

Chia sẻ những khó khăn mà lĩnh vực xuất khẩu đang phải đối mặt, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm nay diễn biến thị trường rất phức tạp.

Ngay từ cuối năm 2014 sang đầu 2015, xuất khẩu bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn bởi doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Mới vào quý I của năm, doanh nghiệp đã thiếu việc, quý II, quý III thì có chút "cao trào", nhưng sang quý IV xuất khẩu lại giảm.

Se sợi xuất khẩu tại Công ty Dệt Hà Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Không những thế, trào lưu đầu từ vào ngành dệt may ngày một nhiều khiến cho đơn hàng xuất khẩu đến tay doanh nghiệp cũng ngày một hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tăng trưởng 17 - 18% nhưng năm nay chỉ 10%.

Dự kiến, 3 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may sẽ cán đích là 27 - 27,5 tỷ USD cho tất cả các mặt hàng, tăng trưởng khoảng 9,3 - 11%.

Một vấn đề khiến bà Dung không khỏi lo ngại là tiền lương tối thiểu trong năm tới khi doanh nghiệp không chỉ nộp bảo hiểm trên lương cơ bản mà cả tổng thu nhập. Trước đây, một số doanh nghiệp chỉ trả lương theo thang lương nhà nước, nhưng khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, lương tăng rất nhiều.

Cùng với đó là khó khăn về khai thác lợi thế Hiệp định kinh tế song phương (FTA) và TPP chưa kịp trong năm 2016. Mặc dù Việt Nam và các nước kinh tế Á - Âu đã ký FTA nhưng chuyển đổi thành cơ hội chưa nhiều nên khả năng năm 2016 có sự tăng trưởng đột biến là rất khó.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 10 - 15% và chỉ đạt 6,6 - 6,7 tỷ USD giá trị, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái.

Sở dĩ có tình trạng này, ông Nam cho rằng với hầu hết các nhóm mặt hàng đều giảm giá sâu. Mặc dù Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp nhưng vòng xoáy giảm giá đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đều co hẹp sản xuất.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Đưa ra một ví dụ cụ thể, ông Nam cho biết về mặt hàng tôm đến lúc này đang phải cạnh tranh với Ấn Độ khi cả sản lượng và giá thành đều thấp hơn Việt Nam.

Hơn nữa, tại các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador… giá trị các đồng tiền đều giảm. Do đó, từ giờ đến cuối năm nay cũng như kế hoạch năm 2016, ngành thủy sản Việt Nam đều nằm trong vòng xoáy giá giảm. Về ngắn hạn, chưa thể cứu vãn xuất khẩu để duy trì hay đạt con số nào đó.

Để giúp ngành xuất khẩu thủy sản giảm thiểu khó khăn, ông Nam đã kiến nghị Nhà nước cần giảm lãi suất vay ngắn hạn (hiện nay là 7%). Năm ngoái, đề xuất được giảm 1% về tỷ giá nhưng chưa đủ bởi giá thành sản xuất của Việt Nam hiện nay rất cao nên về lâu dài phải giảm vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, việc tăng lương chủ yếu vào quỹ công đoàn và quỹ bảo hiểm xã hội chứ không phải vào người lao động nên nếu tăng lương thì thu nhập người lao động cũng không tăng, trong khi doanh nghiệp cũng mất một lượng tiền hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khiến xuất khẩu càng ngày càng khó khăn.

Đại diện cho các doanh nghiệp da giày, ông Lê Xuân Dương, Trưởng ban Pháp chế - Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho hay, trong những năm gần đây, tăng trưởng của da giày có yếu tố doanh nghiệp FDI, chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu.

Sở dĩ vậy bởi doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc thiếu vốn, công nghệ còn thiếu thị trường. Hơn nữa, do dịch chuyển đơn hàng và đầu tư, doanh nghiệp FDI có sự tăng trưởng nhanh, trong khi doanh nghiệp Việt dù có tăng nhưng nguồn lực yếu dù chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho da giày đã được thực hiện, nhưng đến nay vẫn chỉ được 40 - 50%, trong khi quy hoạch đến năm 2020 phải đạt 80%.

Vì vậy, ông Dương đề xuất, từ nay đến cuối năm, Hiệp hội mong muốn Bộ rà soát đánh giá lại, xem có vấn đề nào thiết thực, cần cụ thể hóa để các đơn vị chức năng thực hiện tốt hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này sẽ thật sự trở nên ý nghĩa với các doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, để phấn đấu kết quả cho cả năm 2015, hai tháng còn lại phải dồn lực, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các ngành. Tuy nhiên, dù thế nào, Chính phủ cũng thống nhất không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, kể cả xuất khẩu. Vấn đề đặt ra là phải làm sao đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 10%.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Hiệp hội, doanh nghiệp từ nay đến cuối năm kết nối chặt chẽ với Bộ Công Thương để mục tiêu xuất khẩu có thể cán đích tốt đẹp.

Đặc biệt, trong 5 nhóm giải pháp đã được nêu tại hội nghị giao ban xuất khẩu, Thứ trưởng cho rằng cần quan tâm nhất đến việc phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tín dụng, thị trường để cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Vì thế, các ngân hàng tính toán lại lãi suất trung - dài hạn, vì nếu không đầu tư trung và dài hạn thì doanh nghiệp sẽ khó tạo được nguồn hàng cho các năm sau./.

Uyên Hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục