Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện quy định về khu chợ biên giới

16:43' - 26/09/2017
BNEWS Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về khu (điểm) chợ biên giới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2017.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về khu (điểm) chợ biên giới tại Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nội dung của hiệp định, bao gồm trình tự, thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới và trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới.

Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm thương nhân và cư dân biên giới của Việt Nam; thương nhân và cư dân biên giới của Trung Quốc được tham gia xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa tại khu (điểm) chợ biên giới; các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Đối với trình tự, thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới, Thông tư quy định, Sở Công Thương tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh bao gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố biên giới thuộc tỉnh tiến hành khảo sát địa điểm, đánh giá nhu cầu thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo khảo sát, đánh giá nhu cầu thiết lập khu (điểm) chợ biên giới của Sở Công Thương, UBND tỉnh có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh/khu của Trung Quốc đề nghị tiến hành hội đàm hoặc cho ý kiến về việc cùng thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới tương ứng ở lãnh thổ hai bên.

Trên cơ sở hội đàm hoặc ý kiến bằng văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh/khu của Trung Quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi Bộ Công Thương về thiết lập khu (điểm) chợ biên giới; trong đó nêu rõ việc cùng thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới tương ứng ở lãnh thổ hai bên hoặc chỉ thiết lập khu (điểm) chợ biên giới trong lãnh thổ Việt Nam.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của UBND tỉnh biên giới, Bộ Công Thương xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan về việc thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành được gửi lấy ý kiến có văn bản trả lời.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi nhận được ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương có ý kiến về việc thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, UBND tỉnh biên giới ban hành Quyết định thiết lập khu (điểm) chợ biên giới. Đồng thời, có văn bản thông báo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh/khu của Trung Quốc về việc thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới.

Trước ngày 31/12 hàng năm, UBND tỉnh biên giới có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương về Danh sách các khu (điểm) chợ biên giới đang hoạt động và mới thiết lập.

Đối với trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới, thương nhân và cư dân biên giới Việt Nam kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới theo điều kiện quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Thương nhân và cư dân biên giới Trung Quốc kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới đăng ký theo trình tự, thủ tục sau: Thương nhân và cư dân biên giới Trung Quốc có nhu cầu kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới phải gửi 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Công Thương hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền (Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh); hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

Cùng đó, phải có một bản sao có chứng thực (hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) các giấy tờ: Hợp đồng hoặc thỏa thuận với đơn vị (Ban, Cơ quan) quản lý chợ về việc thuê quầy hàng hoặc sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng tại chợ (nếu có); giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh còn giá trị của cư dân biên giới hoặc đại diện theo pháp luật của thương nhân (hộ chiếu hoặc giấy thông hành biên giới hoặc giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh khác); giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với thương nhân. Ảnh của cư dân biên giới hoặc đại diện theo pháp luật của thương nhân: hai ảnh cỡ 4x6.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Công Thương hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền căn cứ vào nhu cầu của thị trường địa phương, khả năng bố trí địa điểm kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới có trách nhiệm xem xét, xác nhận thương nhân kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này hoặc không xác nhận và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công Thương hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền gửi văn bản đề nghị thương nhân hoặc cư dân biên giới bổ sung.

Trong trường hợp cần thêm thời gian để xin ý kiến phối hợp với các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc, Sở Công Thương hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền thông báo bằng văn bản cho thương nhân hoặc cư dân biên giới biết.

>>>Tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường Nam Phi: Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục