Bộ Công Thương làm gì để đạt tăng trưởng sản xuất 6 tháng cuối năm?

14:37' - 14/07/2017
BNEWS Bộ sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp cho các doanh nghiệp phát triển thị trường, cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra ngày 14/7. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.
Ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát, tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước và tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm nay. Đây là một trong những nguồn lực để đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước không chỉ năm 2017 mà còn cho những năm tiếp theo.

Ngoài ra, để tiếp tục gia tăng sản lượng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ bám sát hơn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt như thép, ô tô, phân bón, hóa chất...

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, rà soát, đánh giá khả năng tăng trưởng những tháng cuối năm của 24 sản phẩm chủ yếu của nhóm ngành chế biến, chế tạo cho thấy, một số sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt trên 8% như sắt thép thô, thép cán, tivi, xi măng, bia các loại, sơn hóa học.

Nhiều mặt hàng tăng trưởng mức dưới 8% như thép thanh, thép góc, xe máy, phân NPK, Ure, điện thoại di động, ô tô… Dự kiến sản xuất các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Ở nhóm ngành khai khoáng, Bộ Công Thương nhận định sẽ tiếp tục còn gặp khó. Đơn cử như khai thác dầu khí sẽ gặp khó do mùa gió chướng; ngành than gặp khó do nhu cầu thị trường còn thấp, xuất khẩu gặp khó do giá thành cao…

Theo báo cáo kết quả phát triển công nghiệp 6 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 6 tháng tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt, tăng 6,2%. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 là 1 điểm % (6,2% so với 7,2%).

Nhận định từ Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng thấp hơn nguyên nhân chủ yếu là do ngành khai khoáng sụt giảm và ngành điện tăng thấp. Cụ thể, ở nhóm ngành khai khoáng, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Mức giảm này tiếp tục được thu hẹp dần qua các tháng của năm 2017.

Đáng chú ý là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và đặc biệt tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (10,5% so với 10,2%).

Trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm, thì đây là nhóm đóng vai trò quan trọng, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.

Nguyên nhân một số ngành tăng trưởng không cao so với cùng kỳ chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước đều tăng chậm, sức mua của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu giảm, thị trường Nhật Bản cầm chừng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn so với cùng kỳ nhưng giá sản phẩm không thể tăng cao đã tác động đến sản xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều nguyên liệu.

Ở nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, mức tăng trưởng đạt 8%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2016 (11,2%). Nguyên nhân là do điện thương phẩm cho nhóm quản lý và tiêu dùng dân cư tăng rất thấp, chỉ 3,73%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ 2016 à 10,6% và của cả năm 2016 là 9,2%.

Trong khi đó, điện thương phẩm cho nhóm công nghiệp – xây dựng vẫn tăng cao 11,8% (cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng 2016 là 10,4% và của cả năm 2016 là 11%)…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục