Bộ Công Thương: Sẽ nhập khẩu than cho sản xuất điện nếu thiếu

19:38' - 03/12/2018
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án nhập khẩu than nếu trong nước không đủ để đảm bảo cho sản xuất điện và không để thiếu điện.
Khai thác than tại Công ty than Cọc Sáu. Ảnh: TKV

Chiều ngày 3/12, tại Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, trả lời về vấn đề dư luận quan tâm là giá than và giá điện trong thời gian qua cũng như việc nhà máy điện thiếu than và Bộ Công Thương đã lập kịch bản nào cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ không để xảy ra tình hình thiếu điện và đảm bảo cấp đủ điện cho năm 2019.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những ngày gần đây sau cuộc họp của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã công bố giá thành điện 2017, nếu đọc kỹ có thể hiểu năm 2017 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lãi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng thông tin thêm, hiện nay để xác định giá điện năm 2017, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét kỹ và kiểm toán độc lập về chi phí của của EVN.

Con số tổng doanh thu bán điện của EVN năm 2017 là 289.954 tỷ đồng; trong đó, sản xuất kinh doanh điện là 291.278 tỷ đồng. Tính đơn giản là kinh doanh đang bị lỗ, nhưng EVN vẫn còn hơn 5.000 tỷ đồng chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017.

Cụ thể, vẫn còn các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành như: số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia trên 1.940 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.

Về kịch bản điều hành giá điện năm 2019, năm 2018 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất và xem xét nếu EVN điều chỉnh tăng giá điện. Tuy nhiên, việc xây dựng kịch bản sẽ được thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành đã đưa 4 kịch bản chính và xem xét đến các tác động của điều chỉnh giá điện.

Nếu EVN xây dựng phương án thì Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê để đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện đến CPI, GDP.

Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá điện kịch bản vào tháng 12/2018. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều chỉnh giá điện để báo cáo Chính phủ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cuối tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với EVN xây dựng kế hoạch cung ứng điện năm 2019.

Tháng cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên khô hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch cấp điện của năm 2019.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN cung cấp điện theo đúng kịch bản xây dựng phụ tải bình thường và phụ tải cao.

Sản lượng điện sản xuất năm 2019 dự kiến đạt 242 tỷ KWh điện ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh điện ở phương án phụ tải cao. Cả 4 phương án đều đảm bảo đủ cung cấp đủ điện cho nhu cầu năm 2019.

Về vấn đề dư luận quan quan tâm là không đủ than cho sản xuất nhiệt điện, Bộ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, năm 2018, TKV cung ứng đạt xấp xỉ cam kết cung cấp than cho sản xuất điện than với khối lương 28,9 triệu tấn tăng 22% so với 2017.

Tổng công ty Đông Bắc là 5,8 triệu tấn đạt 98% cung cấp than cho điện.

“Hai đơn vị đã rất cố gắng nhưng lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện và giá than thế giới cao hơn bình thường.

Trong thời thời gian tới để giải quyết tình hình này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án nếu trong nước không đủ than cung ứng thì sẽ phải nhập than nhằm đảm bảo cung cấp đủ than để sản xuất điện và không để thiếu điện.”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục