Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh

12:10' - 08/04/2020
BNEWS Theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Sau khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Theo Nghị định số 17, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Kinh doanh ôtô, điện lực, hóa chất, thực phẩm, khoáng sản, kinh doanh khí, thuốc lá.

Đồng thời, Nghị định 17 cũng giữ lại và bổ sung một số điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, với lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, có bổ sung một số điều kiện về khu vực sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản…

Sau khi Nghị định 17 được ban hành, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát nội dung các văn bản liên quan và nhận thấy cần thiết xây dựng Thông tư để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Thông tư.

Đến nay, dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ và được gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, hóa chất, kinh doanh khoáng sản, điện lực. Dự kiến, đến tháng 5 sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến xây dựng Thông tư.

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), dự thảo Thông tư tập trung lấy ý kiến sửa đổi, bãi bỏ một số quy định liên quan đến các lĩnh vực: Kinh doanh thực phẩm, hóa chất, kinh doanh khoáng sản, điện lực.

Cụ thể, như sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 43/2018/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Mặt khác, sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 55/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 38/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí…

Đối với kinh doanh khoáng sản, Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa đổi một số điều khoản của Thông tư số 12/2016/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản; sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 14/2013/TT-BCT quy định về điều kiện kinh doanh than; sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 15/2013/TT-BCT quy định về xuất khẩu than...

Bãi bỏ khoản 2 Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực đã được sửa đổi tại Điều 2 Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục