Bổ sung quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu

17:28' - 30/03/2020
BNEWS Việc kịp thời ban hành mẫu C/O mới giúp tháo gỡ vướng mắc của một số doanh nghiệp khi xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP.

Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc một số nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho rằng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu CPTPP của Việt Nam thiếu lời văn chứng nhận xuất xứ của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu theo quy định tại mục 9, Phụ lục 3-B của Hiệp định, Bộ Công Thương đã kịp thời văn bản gửi các cơ quan, tổ chức cấp C/O đề nghị hướng dẫn thương nhân kê khai thêm nội dung này tại C/O mẫu CPTPP theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. 

Song song với đó, Bộ Công Thương cũng tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP để bổ sung nội dung.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 06/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP; trong đó, C/O mẫu CPTPP mới được ban hành kèm theo Thông tư này với sửa đổi, bổ sung tại các ô số 1, 2, 3, 5 và 11. Hướng dẫn kê khai C/O mẫu CPTPP cũng được sửa đổi tương ứng tại Phụ lục kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BCT.

Thông tư số 06/2020/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 8 tháng 5 năm 2020 nên các cơ quan, tổ chức cấp C/O triển khai cấp C/O mẫu CPTPP mới cùng ngày với ngày hiệu lực của Thông tư số 06/2020/TT-BCT.

Việc kịp thời ban hành mẫu C/O mới theo quy định tại Thông tư số 06/2020/TT-BCT, thay thế mẫu cũ tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT giúp tháo gỡ vướng mắc của một số doanh nghiệp khi xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tận dụng cơ hội từ việc hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết tại Hiệp định này.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực thực thi tại Việt Nam ngày 14 tháng 1 năm 2019 mang lại cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do như Canada, Mexico, Peru…

Để doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi thuế quan khi CPTPP được thực thi, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 1 năm 2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các văn bản hướng dẫn; thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O mẫu CPTPP triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp C/O và hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu đi thị trường các nước thành viên CPTPP.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát sao việc thực thi quy định về quy tắc xuất xứ, nâng cao hiệu quả tiếp nhận và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai Thông tư số 03/2019/TT-BCT./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục