Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng về xử lý bất cập dự án BOT

18:13' - 20/11/2018
BNEWS Theo Chánh phòng Bộ Giao thông Vận tải, xử lý các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Chiều 20/11, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Ngày 20/11, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo Chánh phòng Bộ Giao thông Vận tải, xử lý các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phải xin ý kiến về các giải pháp xử lý của các đơn vị này, sau đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong chiều 20/11, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về hướng xử lý đối với Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ 2 phương án để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cụ thể, phương án 1: Giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm khoảng 30% so với ban đầu. Lúc này các phương tiện loại 1 (Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) sẽ giảm từ 25.000 đồng/xe/lượt xuống còn 15.000 đồng/xe/lượt.

Phương án 2: Lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Lúc đó, trạm trên quốc lộ 1 sẽ thu giá 15.000 đồng/xe/lượt, trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/xe/lượt đối với các phương tiện nhóm 1.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, đây vẫn là 2 phương án được lựa chọn trên cơ sở 5 phương án mà Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra trước đây và không có gì thay đổi.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án nêu trên, hoàn thành trước ngày 20/11/2018.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có 88 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT; trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 9 dự án đầu tư theo hình thức BOT được triển khai trên nền đường cũ và đầu tư tuyến tránh tương tự như dự án BOT quốc lộ 1 Tiền Giang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục