Bộ Giao thông Vận tải chính thức thông tin về trạm thu phí BOT Cai Lậy

17:12' - 01/12/2017
BNEWS Chiều 1/12, Bộ Giao thông Vận tải có thông cáo báo chí về tình hình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trạm BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy trước giờ hoạt động trở lại. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Thông cáo nêu rõ, trạm thu phí Cai Lậy thu phí hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc đặt trạm thu phí này đã được địa phương đồng thuận. Cụ thể, quá trình triển khai Dự án trên có sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, trình tự thủ tục tuân thủ quy định pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận được văn bản đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về vị trí đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ trên Quốc lộ 1 hiện hữu.

Về vị trí trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu các phương án đầu tư tăng cường mặt đường nếu cần thiết, đồng thời nghiên cứu thêm phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn lên 6 làn xe, so sánh lựa chọn vị trí đặt trạm thu giá trên tuyến tránh và trên Quốc lộ 1 hiện tại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tốc độ khai thác nhỏ hơn 60km/h do đi qua đô thị. Với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn.

Trong khi đó, nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80km/h.

Như vậy, chỉ còn phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu.

Quá trình triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản lấy ý kiến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Đồng thời phân tích, so sánh phương án đặt trạm thu giá trên Quốc lộ 1 hiện hữu với phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.

Với phương án đặt trạm trên Quốc lộ1, phạm vi dự án bao gồm xây dựng tuyến tránh và đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường, cầu, hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1. Phương án này sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến Quốc lộ 1 và tuyến tránh.

Còn với phương án đặt trạm trên tuyến tránh: Phạm vi dự án chỉ đầu tư xây dựng tuyến tránh. Phương án này có ưu điểm là chỉ thu giá phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh (không thu giá các phương tiện đi vào nội thị thị trấn Cai Lậy) nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy trên Quốc lộ 1 hiện hữu do các phương tiện sẽ tránh trạm thu phí bằng việc không sử dụng tuyến tránh.

Trong điều kiện mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu không được cải tạo, tăng cường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính dự án rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, việc ấn định mức thu phí đã có sự đồng thuận của Bộ Tài chính và địa phương.

Liên quan đến khoảng cách giữa các trạm thu giá dịch vụ đường bộ, theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải quyết định đặt trạm thu phí khi đảm bảo cự ly 70km. Đối với trường hợp không đảm bảo cự ly trên, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với địa phương và Bộ Tài chính quyết định.

“Trạm thu giá Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án, tuân thủ quy định pháp luật (vị trí trạm tại Km 1999+300 thuộc phạm vi dự án từ Km 1987+560 đến Km 2014, QL1), đã đảm bảo khoảng cách lớn hơn 70km (cách trạm An Sương - An Lạc hơn 80km; trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp hơn 79km) nên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính”, Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Về mức phí, Bộ Giao thông Vận tải cho hay mức thu phí được xây dựng trên cơ sở khung mức phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, tương đồng với các Dự án BOT khác trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, xử lý bất cập trong việc thu phí dịch vụ các dự án BOT, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan xử lý bất cập tại các trạm như: trạm Lương Sơn (Quốc lộ 6), Trạm Bến Thủy, trạm Cầu Rác, trạm Biên Hòa...

Đối với trạm Cai Lậy, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tích cực xử lý, cung cấp đầy đủ thông tin. Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư tiến hành giảm giá dịch vụ tại trạm: giảm 30% cho tất cả các phương tiện qua trạm; giảm tối đa (100%) cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của tại 4 xã lân cận. Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang; đồng thời đã tổ chức họp báo rộng rãi trả lời các vấn đề các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, tổ chức thu phí dịch vụ từ 0h00’ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, do tình hình thu phí dịch vụ tại trạm Cai Lậy mất an ninh trật tự do tài xế dùng tiền lẻ qua trạm. Bên cạnh đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến khác nhau về quá trình triển khai dự án nên nhà đầu tư phải tạm dừng thu giá dịch vụ từ ngày 14/8/2017.

Để tránh hệ lụy xấu phá vỡ phương án tài chính của dự án do không được thu giá hoàn vốn, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư hoàn chỉnh các công việc cần thiết, đã tiến hành giảm giá dịch vụ cho các phương tiện như trên. Ngày 30/11/2017 đã tiến hành thu giá dịch vụ trở lại để hoàn vốn cho dự án.

Tuy nhiên, ngay sau khi thu phí dịch vụ trở lại, nhiều phương tiện vẫn tiếp tục sử dụng tiền lẻ, gây mất an ninh trật tự qua trạm thu phí. Nhà đầu tư phải nhiều lần xả trạm để tránh ùn tắc giao thông và có nguy cơ tiếp tục phải dừng thu phí.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, liên quan đến việc đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có văn bản số 1410 ngày 12/9/2017 đề nghị các địa phương có biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông khu vực trạm thu phí dịch vụ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã có chỉ đạo tại Thông báo số 483 ngày 13/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu: “Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ để chống ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

“Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức việc thu phí tại trạm để hoàn vốn cho dự án và có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”, Bộ Giao thông Vận tải cho biết./.

>>> Bộ Giao thông Vận tải nói gì về vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục