Bộ Giao thông Vận tải tăng tốc giải quyết vật liệu đất đắp cho cao tốc Bắc - Nam

11:41' - 18/03/2022
BNEWS Với số lượng đất đắp các dự án cao tốc Bắc - Nam vào khoảng 8,45 triệu m3, Bộ Bộ Giao thông Vận tải tăng tốc giải quyết vấn đề này ngay trong tháng 3.
   

Liên quan đến việc giải quyết nguồn vật liệu đất đắp của các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam, trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3, các đơn vị của Bộ Giao Vận tải đã phối hợp với các địa phương giải quyết được 4,16 triệu m3. Hiện tiếp tục giải quyết các thủ tục để cung ứng khối lượng thiếu còn lại khoảng 8,43 triệu m3 đất đắp tại 5 dự án thành phần; các địa phương cũng đang tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, dự kiến sẽ cơ bản cung cấp đủ nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.

Trên thực địa công trương, đại diện các chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chia sẻ, đến nay vấn đề vật liệu đất đắp thi công tại các dự án thành phần đang dần được tháo gỡ. Cụ thể, tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Đặng Tiến Thắng, Phó giám đốc Ban điều hành dự án cho biết, hiện đang thiếu khoảng 2,3 triệu m3 đất đắp (Ninh Thuận 2 triệu m3 và Bình Thuận 0,3 triệu m3). Hiện một số đã được chấp thuận bổ sung, sớm khai thác.

Tại dự án Nha Trang - Cam Lâm, nguồn đất đắp sẽ cơ bản được tháo gỡ vào cuối tháng 3, chậm nhất là trong tháng 4.

Trong khi đó tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, hồ sơ xin cấp phép bổ sung mở rộng phạm vi khai thác đất tại mỏ Đồi Giàng (khoảng 8,8ha) để giải quyết 0,7 triệu m3 đất đắp nền đường còn thiếu cũng đã được trình lên cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình. Dự kiến, thủ tục cấp phép mở rộng mỏ sẽ được hoàn thành trong tháng 3.

        

Tại dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, gói thầu XL04 đang thiếu khoảng 1,7 triệu m3. Nhà thầu đang trông chờ để khai thác mỏ sông Khiêng và hai mỏ khác. Các thủ tục đã xong, dự kiến được cấp phép trước ngày 25/3 tới.

Như vậy, nguồn vật liệu đất đắp cơ bản sẽ được tháo gỡ sớm nhưng lỗi lo lại tới với các nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam khi giá nhiên nguyên vật liệu (thép, xi măng, xăng, dầu…) tăng cao trong thời gian qua có thể ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, để giải quyết khó khăn cho các nhà thầu thì chi phí dự phòng cho trượt giá vật liệu được xây dựng trước đó có thể sẽ phải điều chỉnh lại trước biên độ tăng quá lớn hiện nay.

Cụ thể, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, thời điểm xây dựng, dự phòng chi phí cho điều chỉnh giá của các gói thầu dự án Phan Thiết - Dầu Giây được lập khoảng 5 - 7% giá trị xây lắp và 4 - 6% giá trị xây lắp tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Chi phí này được xây dựng trên cơ sở công bố chỉ số giá xây dựng của từng địa phương và lâu nay vẫn phù hợp bởi tỷ lệ trượt giá vật liệu thông thường chỉ từ 4 - 5%.

Tuy nhiên, hiện tại chi phí dự phòng trượt giá có nguy cơ không đủ bù đắp, phải cân đối lại từ chi phí dự phòng của cả dự án (bao gồm chi phí dự phòng điều chỉnh giá và chi phí dự phòng cho khối lượng thi công phát sinh).

Còn đại diện Ban Quản lý dự 6 - đơn vị quản lý hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt cho hay, theo tính toán, trong thi công dự án, nhiên liệu thường chiếm từ 8 - 10% chi phí xây lắp gói thầu; vật liệu chính và vật tư thi công (sắt thép, cát, đá, xi măng, nhựa đường, bê tông, đất đắp...) chiếm khoảng 35 - 45% giá gói thầu.

Căn cứ tỷ trọng trên, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiên liệu tăng hơn 100%, giá thép tăng từ 20 - 60%; giá cát, đá, nhựa đường, xi măng cũng đồng loạt tăng khiến giá thành gói thầu đã tăng khoảng 12 - 30% (tính trung bình theo từng thời điểm).

Điều này không chỉ khiến nhà thầu thua lỗ mà ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các gói thầu. Bởi hiện nay, hầu hết các chủ mỏ vật liệu, nhà cung cấp vật tư, vật liệu, cung cấp dịch vụ vận tải… đều yêu cầu nhà thầu thanh toán trước 100% các đơn hàng, giá nhiên vật liệu làm các nhà thầu thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng.

"Việc giá cả nhiên liệu tăng nhanh trong khi việc công bố giá và chỉ số giá của địa phương không bù đắp được càng gây khó khăn cho các nhà thầu, Ban quản lý dự án trong việc tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn nước rút", đại diện Ban Quản lý dự án 6 chia sẻ.

Về vấn đề giá nhiêu liệu tăng cao ảnh hưởng đến các dự án giao trong trọng điểm,  đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các hợp đồng xây lắp của dự án là hợp đồng điều chỉnh giá theo hệ số. Về lý thuyết, các khó khăn của nhà thầu thi công do việc giá vật liệu tăng cao sẽ được giải quyết thông qua việc tính toán, thanh toán chi phí điều chỉnh giá.

Tuy nhiên, thực tế, việc tính toán, thanh toán chi phí điều chỉnh giá không tháo gỡ được khó khăn cho các nhà thầu. Ngoài việc chỉ số giá không được các địa phương công bố kịp thời còn do chỉ số giá được công bố chưa phù hợp với biến động giá thực tế.

Ví dụ như giá xi măng, thép thực tế tăng trên 50% so với giá thời điểm đấu thầu, tuy nhiên theo công bố của địa phương, chỉ số giá thép khoảng từ 15 - 50%, chỉ số giá xi măng biến động đều ở mức 11 - 13%.

Trước thực trạng hiện nay, sau khi thực hiện khảo sát theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều giải pháp đã được các Ban quản lý dự án đưa ra như: Kiến nghị Sở Xây dựng các tỉnh công bố giá vật liệu và chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp với giá thị trường; kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng Bộ Xây dựng xem xét áp dụng quy định về nội dung xây dựng chỉ số giá riêng cho các gói thầu tại các dự án cao tốc...

"Bộ Giao thông Vận tải đang tổng hợp báo cáo của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để nắm bắt tình hình và tiếp tục có văn bản báo cáo Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn", đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục