Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông

20:46' - 03/06/2022
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải các địa phương về việc yêu cầu tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải các địa phương về việc yêu cầu tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong đợt cao điểm Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

 

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đinh Thọ ký yêu cầu các cơ quan, đơn vị công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông, kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn xảy ra.

Đáng chú ý trong yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí.

Bên cạnh đó, chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm trong đợt cao điểm diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để nâng cao ý thức của người dân; không lái xe khi đã uống rượu bia, sử dụng chất ma túy; không lái xe vượt quá tốc độ; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, tai nạn đường ngang đường sắt;

Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tăng cường năng lực vận tải, có phương án dự phòng, đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh và cán bộ coi thi, không để thí sinh đến dự thi muộn do thiếu phương tiện vận chuyển.

Cục Đường sắt Việt Nam cần chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương và các đơn vị đường sắt tăng cường kiểm tra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhất là các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt theo thẩm quyền.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của các thí sinh và cán bộ coi thi, tạo điều kiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối việc vận chuyển đề thi, bài thi bằng tàu hỏa, ưu tiên bán vé tàu cho cán bộ, giảng viên Đại học về các tỉnh, thành phố tổ chức thi và thí sinh đi thi; đảm bảo chế độ miễn giảm giá vé cho thí sinh đi thi; đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Trên lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra tại các bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch và sử dụng phương tiện nhỏ, thô sơ chở người hoạt động trên đường thuỷ (đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo).

“Phải cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19”, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ hàng hải phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn hàng hải, đặc biệt là các tuyến vận tải từ bờ ra đảo; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện xe khách giường nằm, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tầu cao tốc.

Đối với các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cơ quan chức năng của các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương quản lý.

Mặt khác, Bộ yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn;

Đồng thời rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, chú trọng tại các khu vực nguy hiểm; huy động mọi nguồn lực để xử lý triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương quản lý, đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc, xử lý ngay sự cố sạt lở, hư hỏng đường do mưa lũ gây ra…/.

>>>Hà Nội mở đợt cao điểm xử lý xe kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục