Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

14:26' - 10/03/2021
BNEWS Liên quan đến khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành kiểm soát tiến độ, chất lượng, kế hoạch giải ngân, giải quyết một số vướng mắc khi triển khai các dự án giao thông, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc – Nam.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, để tăng cường việc quản lý chất lượng, tiến độ, giải ngân vốn các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về đầu tư xây dựng, nghiên cứu kỹ để áp dụng.

Liên quan vấn đề giải ngân, quản lý vốn, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án hoàn thành lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý cho từng dự án; trong đó, phải xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, sau đó mới xây dựng kế hoạch giải ngân; kế hoạch phải có tính dự phòng để tránh gây ra áp lực về tiến độ giải ngân trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phải theo dõi, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và làm rõ nguyên nhân chậm, đề xuất giải pháp khắc phục để giải ngân vốn theo kế hoạch đã cam kết.

“Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ phận thường trực tại hiện trường, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chủ động bám sát các địa phương trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát nhà thầu, tư vấn thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ. Thực hiện báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Liên quan đến dự án trọng điểm; trong đó có các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bám sát tình hình thực hiện các dự án. Thường xuyên làm việc với các địa phương, xây dựng kế hoạch để lãnh đạo bộ làm việc với các địa phương về dự án.

"Đáng chú ý là vấn đề liên quan đến khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, vấn đề giải phóng mặt bằng công trình hạ tầng kỹ thuật... các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Đối với các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách còn chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án 6, 7, 85 và các Sở Giao thông Vận tải: Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Lâm Đồng tập trung xử lý giải phóng mặt bằng với địa phương, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu có các vấn đề vướng mắc như điều chỉnh dự án, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây lắp phải khẩn trương tháo gỡ.

Liên quan các dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án tập trung kiện toàn quản lý dự án tại hiện trường; bám sát địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, báo cáo bộ, có giải pháp sử dụng phần vốn còn dư của các dự án, giải quyết các thủ tục kéo dài vốn làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo mục tiêu của dự án.

Về dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc và dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Ban Quản lý dự án 2 được giao khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán sớm trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Ban Quản lý dự án 2 đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khởi công các gói thầu theo tiến độ đã cam kết.

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức nghiệm thu; hoàn thành đánh giá an toàn hệ thống; rà soát việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước để báo cáo bộ làm việc với cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các Ban quản lý dự án cần rút kinh nghiệm khi việc thực hiện giai đoạn 1, xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2; phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan liên quan trong tổ chức khai thác và tổ chức thi công; xây dựng kế hoạch cụ thể để giải ngân nguồn vốn đã được bố trí.

“Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết triển khai các hạng mục gửi Bộ Giao thông Vận tải để theo dõi, phối hợp trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật", Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục