Bờ kè sông Ô Môn tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng

18:18' - 24/04/2019
BNEWS Vào lúc 3 giờ sáng 24/4, tại khu vực đang thi công bờ kè sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng.
 Vị trí sạt lở dài 60m, sâu vào bờ 5m, ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Vị trí sạt lở dài 60m, sâu vào bờ 5m, ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân. Đây chính là nơi từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng cách đây một năm, đang được thi công bờ kè thì tiếp tục sạt lở.

Chiều 24/4, trao đổi với phóng viên TTXVN tại hiện trường, ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khắc phục hậu quả vụ sạt lở xảy ra trên sông Ô Môn.

"Đoạn sạt lở nằm ở một đoạn sông Ô Môn phía bờ phải tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, với chiều dài 60m, ăn sâu vào trong 5m"- ông Ninh nói.

 Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo ông Ninh, vụ sạt lở làm 11 căn nhà dân bị hư hỏng nặng, không thiệt hại về người. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tìm phương án di dời một trụ điện trung thế ra khỏi khu vực sạt lở, các hộ dân đang di dời đồ đạc đến khu vực an toàn.

Xác nhận với phóng viên qua điện thoại, ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết, nơi xảy ra sạt lở ngày 24/4 là vị trí đã sạt lở năm ngoái, ngay vị trí đang thi công bờ kè. Vụ sạt lở không làm ảnh hưởng thêm đến các hộ dân vì đã được hỗ trợ di dời năm 2018 mà chỉ ảnh hưởng đến trụ điện trung thế kéo qua sông Ô Môn làm khu vực này bị mất điện.

Vị trí sạt lở là nơi đang thi công bờ kè sau vụ sạt lở cách đây một năm. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ngay trong ngày hôm nay, điện lực Ô Môn cùng các đơn vị liên quan sẽ tiến hành khắc phục, để cung cấp điện trở lại cho người dân.

Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, phía ngoài vị trí sạt lở là hàng cọc do đơn vị thi công bờ kè vừa đóng. Phía trong là đường bê tông cũng bị sạt, giao thông qua khu vực bị chia cắt. Trong số những ngôi nhà bị ảnh hưởng, một số căn bị đổ ụp xuống sông, một số chỉ còn lại phân nửa.

Theo người dân, trước đó vài ngày họ thấy nhiều vết nứt xuất hiện trên đường bê tông, vách tường trong nhà nhưng chỉ nghĩ do đơn vị thi công đóng cừ gây nứt. Đồng thời, người của công ty xây dựng vẫn còn ở tại căn nhà thuê của dân (nằm trong 11 căn nhà bị sạt lở) nên người dân nghĩ vẫn an toàn.

Bên trong một ngôi nhà bị sạt lở. Phía trước là sà lan của đơn vị thi công đang đóng cọc làm bờ kè. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Út Nở (61 tuổi, ngụ khu vực Thới Lợi, phường Thới An), khoảng 3 giờ sáng hôm nay, khi ông đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động lớn phía bờ sông. Ngay sau đó, khu vực kè bằng bao cát cùng hàng cọc được đóng để bảo vệ bất ngờ sụp chìm xuống sông, rồi dần ăn sâu vào đến tận nhà dân.

Do sạt lở đến sát cửa, lại không có cửa sau nên ông Nở phải phá vách tôn bên hông nhà để cho cả gia đình thoát thân. “Lúc đó sạt lở xảy ra nhanh lắm, 2 đợt cách nhau chừng 10 phút. Căn nhà trước là nơi vợ tôi bán tạp hóa cùng căn bên cạnh là tiệm làm tóc của con gái cùng bị chìm xuống sông. Đồ đạc, tài sản mất hết. Thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”, ông Nở xót xa.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, một trong số 11 hộ bị ảnh hưởng cho biết, trong vụ sạt lở năm ngoái đã mất một ngôi nhà. Sau đó gia đình di dời vào phía trong sinh sống, những tưởng an toàn khi thấy khu vực này đang được làm bờ kè nhưng kè chưa xong thì lại tiếp tục bị sạt lở.

Di dời khẩn cấp trụ điện vượt sông Ô Môn bị ảnh hưởng do sạt lở, gây mất điện khu vực. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Trước đó, ngày 21/5/2018, nơi đây đã từng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm 5 căn nhà dân đổ sụp xuống lòng sông và hàng chục căn nhà khác bị ảnh hưởng, với tổng số 34 căn, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Tất cả những că nhà này đã nằm trong phương án hỗ trợ di dời của chính quyền địa phương.

Về nguyên nhân vụ sạt lở, ông Nguyễn Quý Ninh cho biết, sau vụ sạt lở ngày 21/5/2018, cơ quan chức năng đã cho lấp các hố xoáy dưới lòng sông bằng 8.000 khối cát và đóng cọc bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay không hiểu vì sao vẫn xảy ra sạt lở.

“Ngày mai, phía Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam sẽ đến khảo sát lòng sông, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Sau khi phân tích, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức nguyên nhân" – ông Nguyễn Quý Ninh nói.

Cũng theo ông Ninh, hiện nay mực nước rất cao, mắt thường không thể quan sát địa hình lòng sông. Khu vực sạt lở là nơi đang thi công dự án kè sông Ô Môn được Trung ương hỗ trợ đầu tư, đến nay đã thi công được khoảng 60%./.

>>> Sạt lở nghiêm trọng bờ kè khu du lịch sinh thái ven biển Nam Định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục