Bộ máy Chính phủ phải gọn và tinh
Một trong những nội dung sửa đổi nổi bật của dự án luật là quy định tăng thẩm quyền cho Thủ tướng và bộ trưởng so với trước đây.
Trước thềm phiên thảo luận, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với báo giới về vấn đề này.
Tăng cường trách nhiệm của bộ
Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tăng thẩm quyền cho Thủ tướng và bộ trưởng so với luật hiện hành?
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, muốn tăng hay giảm phải căn cứ vào Hiến pháp theo một nguyên tắc, những quyền hạn của Chính phủ không thể chuyển cho Thủ tướng, vì trong Hiến pháp, Chính phủ có quyền hạn riêng, Thủ tướng có quyền hạn riêng, và đó là quyền hiến định.
Cho nên luật phải tuân thủ quy định của Hiến pháp. Vì thế, việc chuyển giao thêm quyền cho Thủ tướng cần hết sức thận trọng để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.
Hai là, việc xác định các quyền của Thủ tướng có thể đi theo hướng cụ thể hóa các quyền của Hiến pháp chứ không thể chuyển dịch từ thẩm quyền của Chính phủ sang Thủ tướng, vì như thế là vi hiến, không phù hợp.Trong cơ cấu Chính phủ, bộ là một bộ phận cấu thành nên Chính phủ, nên về mặt nguyên tắc, bộ phải đóng vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ, đề xuất các chủ trương, chính sách để Chính phủ quyết định trong thẩm quyền của Chính phủ.
Với vai trò này, có thể cụ thể hóa thêm quyền của bộ để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Chính phủ trong thực hiện thẩm quyền mà luật định cho Chính phủ, cũng như tham mưu cho Thủ tướng trong thực hiện thẩm quyền.
Mặt khác, có lẽ đã đến lúc cụ thể hóa hơn thẩm quyền của bộ trong tư cách là người chịu trách nhiệm về một ngành.
Lâu nay chúng ta phân định vai trò chính giữa bộ với tư cách là cơ quan thuộc Chính phủ, và bộ với tư cách là bộ chịu trách nhiệm quản lý một ngành hoặc liên ngành chưa được rõ.
Nếu có thể, cần làm rõ hơn ranh giới này để một mặt bộ không thể vượt quyền Chính phủ, nhưng mặt khác, phải tăng cường trách nhiệm của các bộ khi làm việc của mình, để giải quyết câu chuyện quản trị quốc gia trên lĩnh vực họ phụ trách.
Nếu không, mọi việc hoặc là đợi Chính phủ, trình Chính phủ, đẩy hết lên Chính phủ hoặc tự mình quyết định, sẽ rất nguy hiểm.
Hiện nay việc phân định này chưa rõ, vì thế dẫn đến có những việc, chẳng hạn như Luật Quy hoạch quy định rất rõ Chính phủ làm gì, bộ làm gì, nhưng các bộ hiện nay rất chậm.
Chính phủ phải phụ thuộc vào hành động của các bộ, nếu các bộ không trình, không hành động thì Chính phủ rất khó thực hiện chức năng của mình. Cho nên đây là nhược điểm của luật hiện hành và nếu có thể, cần xử lý cho tốt.
Sáp nhập một số bộ
Phóng viên: Nói về câu chuyện trách nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng do có sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ nên còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông: Cơ quan Chính phủ hiện nay không thay đổi, nhưng cần tiến tới quán triệt sâu sắc hơn việc thực hiện bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tức là tính đến câu chuyện chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng, tiến tới là bộ quản lý đa ngành và mỗi một vấn đề chỉ do một bộ quản lý, không có chuyện một vấn đề mấy bộ quản lý. Phải khắc phục bằng được sự chồng chéo trong chức năng, thẩm quyền giữa một số bộ.
Nếu sửa được nguyên tắc nào để xác định, tạo thêm cơ sở làm đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ XV, phải tuân thủ, thể hiện rõ hơn bộ quản lý đa ngành. Có như vậy chúng ta mới tinh gọn được bộ máy.
Phóng viên: Nghĩa là một số bộ sẽ phải sáp nhập, thưa ông?
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông: Tất nhiên rồi, phải tiến tới giảm số lượng bộ để thực hiện nguyên tắc bộ quản lý đa ngành.Sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) là các chức năng liên quan chặt chẽ với nhau thì có thể giao cho một bộ.
Các nước phát triển có 13-17 bộ, còn ta có 22 bộ, ngành với quy mô kinh tế như thế là quá nhiều, không khắc phục được sự chồng lấn, trách nhiệm không rõ ràng.
Bộ máy cồng kềnh nên hiệu quả thấp, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Các ngành nghề bây giờ liên kết với nhau rất chặt chẽ, nên phải tiến tới liên ngành, càng rộng càng tốt, để vừa giảm bộ máy, vừa phối hợp tốt hơn.
Nếu có một đầu mối chỉ huy thì sự phối hợp sẽ nhuần nhuyễn hơn, không vênh. Ví dụ như vấn đề quản lý nợ công có 3 bộ quản lý, làm chậm trễ trong quá trình quyết định.
Giảm số lượng bộ dẫn đến một số vấn đề phải giải quyết. Một là, phải chuyển giao một số nhiệm vụ cho xã hội, cho cộng đồng doanh nghiệp, tức là bớt việc; và chuyển giao phải bằng luật để họ tuân theo.
Để làm được điều này, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để chuyển hóa một số chức năng lâu nay Nhà nước đang nắm sang cho xã hội, cho doanh nghiệp để giảm tải công việc của Nhà nước, của Chính phủ.
Hai là, phân cấp, phân quyền cho địa phương, để họ chịu trách nhiệm về địa bàn của mình chứ không phải cái gì cũng đẩy lên Chính phủ.
Giờ có tình trạng một số địa phương cái gì cũng đẩy lên Chính phủ, đợi Chính phủ giải quyết. Nên ách tắc chính là do sự không chủ động của địa phương.
Luật cũng chưa định rõ việc phân quyền, nên những vấn đề xảy ra ở địa phương rất khó quy trách nhiệm cho địa phương.
Đây là xu hướng phải làm để cho bộ máy Chính phủ tập trung vào xây dựng thể chế và quản trị vĩ mô. Chính phủ phải làm việc ở cấp quốc gia chứ không phải những vụ việc cụ thể.
Xây dựng một hệ thống cơ quan thuộc Chính phủ gọn về cấu trúc, rõ về chức năng
Phóng viên: Nhiều ý kiến lo ngại sáp nhập thì bộ máy của các bộ sẽ rất lớn và chắc hẳn nhiều bộ sẽ không muốn điều này?Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông: Không phải vấn đề muốn hay không muốn, mà ở tầm quốc gia, chúng ta phải quyết tâm làm việc đó. Đây là lợi ích quốc gia chứ không phải lợi ích bộ, ngành.
Chính phủ đại diện quốc gia nên cần có tư duy tầm quốc gia chứ không phải tư duy bộ, ngành.
Phải có quyết tâm chính trị lớn. Nghị quyết Trung ương có rồi nên phải cương quyết, quyết liệt, nhất quán trong sắp xếp lại bộ máy.
Sáp nhập bộ không có nghĩa là ghép cơ học, bộ máy không giảm được. Vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ, tạo điều kiện thành lập bộ đa ngành.
Song song với sắp xếp, phải tinh gọn bộ máy một cách thực sự, cấu trúc bên trong bộ phải được xem lại cho gọn.
Cái mới của Luật Tổ chức Chính phủ lần này là quan niệm lại cơ quan thuộc Chính phủ. Theo thông lệ quốc tế, có ít bộ nhưng cơ quan thuộc Chính phủ có thể nhiều.
Đó là những bộ máy không có vai trò định ra thể chế, xây dựng thể chế, nhưng có vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện luật pháp và kiểm soát việc thi hành luật pháp trong lĩnh vực đó.
Đó là cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước, nhưng không có quyền xây dựng quy tắc, họ chỉ áp dụng quy tắc và kiểm soát.
Ví dụ cơ quan quản lý cạnh tranh, chống độc quyền là cơ quan thực thi các quyết định về cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền, phải thuộc Chính phủ chứ không phải thuộc Bộ Công Thương, vì nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh, chống độc quyền là liên quan tới tất cả các ngành kinh tế, không phải riêng của Bộ Công Thương.
Hơn nữa, đối tượng của nó là rất nhiều cơ quan của Bộ Công Thương, như vậy làm sao xử lý được, vì đều người nhà với nhau cả.
Phải tư duy lại các cơ quan thuộc Chính phủ để xây dựng một hệ thống cơ quan thuộc Chính phủ gọn về cấu trúc, rõ về chức năng để triển khai thi hành luật và kiểm soát thi hành luật, có quyền phạt, rút giấy phép, có quyền giải quyết tranh chấp.
Cơ quan thuộc Chính phủ với cách tổ chức như vậy sẽ tạo nên sự linh hoạt của bộ, ngành quản trị. Còn các bộ chỉ tập trung xây dựng thể chế, chính sách, chứ các bộ kiêm luôn cả việc kiểm soát, thi hành thì rất bất cập.
Bộ máy của bộ cần gọn và tinh, vì họ là người hoạch định và tham mưu chính sách, không phải là người giải quyết những vấn đề thực tiễn về dự án này, dự án kia. Cần tiếp tục đổi mới mô hình Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hôm nay, Quốc hội sẽ thông qua hai nghị quyết và thảo luận hai dự án Luật
07:29' - 10/06/2019
Theo Chương trình Kỳ họp 7, sáng 10/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
-
Kinh tế Việt Nam
Tuần tới Quốc hội sẽ họp bàn về những nội dung gì?
08:05' - 09/06/2019
Bước vào tuần làm việc thứ 4- tuần làm việc cuối của Kỳ họp thứ 7 (10-14/6), các đại biểu Quốc hội sẽ thông qua 7 Luật, một số nghị quyết quan trọng.
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội họp bàn sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước
20:28' - 07/06/2019
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Tin cùng chuyên mục
-
Ý kiến và Bình luận
WTO: Thương mại toàn cầu có thể tăng 14 điểm phần trăm nhờ AI
22:01' - 25/11/2024
Theo WTO, tăng trưởng thương mại thực tế toàn cầu có thể tăng gần 14 điểm phần trăm vào năm 2040 nếu ứng dụng AI đều khắp thế giới và tăng trưởng năng suất đạt mức cao.
-
Ý kiến và Bình luận
Loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vật liệu xây dựng
19:12' - 25/11/2024
Thông tư 10 đã đưa ra những giải pháp để phân loại, phân nhóm chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, đảm bảo công trình và cuộc sống người dân sử dụng vật liệu an toàn và chất lượng.
-
Ý kiến và Bình luận
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt mức cao kỷ lục
09:48' - 25/11/2024
Trong vài tháng tới, xuất khẩu của Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ việc các công ty nước ngoài tích trữ hàng hóa do tâm lý lo ngại.
-
Ý kiến và Bình luận
Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp
18:29' - 23/11/2024
Ngày 23/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
-
Ý kiến và Bình luận
Truyền thông Mỹ nhận định Việt Nam có cơ hội kinh doanh lớn trong thời gian tới
18:37' - 21/11/2024
Theo trang forbes.com (Mỹ), nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mở cửa cho các tập đoàn lớn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội kinh doanh lớn hơn nữa dưới thời chính quyền Trump 2.0.
-
Ý kiến và Bình luận
Morgan Stanley: Chính sách thuế của Donald Trump sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ
06:00' - 21/11/2024
Ông Seth Carpenter, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào năm 2026.
-
Ý kiến và Bình luận
Công nghệ AI dự báo sẽ tạo ra 680 tỷ USD cho ngành viễn thông
18:18' - 20/11/2024
Trong 15-20 năm tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ước tính sẽ mang lại tới 680 tỷ USD cho ngành viễn thông.
-
Ý kiến và Bình luận
UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa sức khỏe trẻ em
08:23' - 20/11/2024
Sự biến động về nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến tương lai ảm đạm cho thanh thiếu niên vào giữa thế kỷ 21.
-
Ý kiến và Bình luận
Ukraine thông qua ngân sách 2025 với khoản chi kỷ lục cho quốc phòng
08:14' - 20/11/2024
Quốc hội Ukraine đã thông qua toàn bộ luật về ngân sách quốc gia năm 2025, trong đó chi ngân sách năm tới được quy định ở mức kỷ lục 3.940 tỷ hryvnia (hơn 95 tỷ USD).