Bộ NN&PTNT nói gì về chủ trương ngừng đóng mới tàu lưới kéo?

16:21' - 17/12/2015
BNEWS Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Công văn số 9443 về tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản không phải là công văn “đột ngột”.
Tạm ngừng đóng mới tàu lưới kéo. Ảnh: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Công văn số 9443 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, Bộ chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015. Công văn này đã khiến nhiều ngư dân cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gây khó cho họ. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, đây không phải là công văn “đột ngột”. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương và cảnh báo không phát triển nghề này. Từ cuối năm 2014, các tàu nâng cấp sang làm nghề này đã không được phép. 

Để thực hiện chương trình hỗ trợ đóng mới tàu xa bờ theo Nghị định 67/2014/ND-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ số lượng tàu đóng mới cho các địa phương; trong đó cũng không có nghề lưới kéo.

Tại các hội nghị, hội thảo, giao ban... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phổ biến chủ trương nghề lưới kéo là nghề phải được hạn chế dần. Nhiều tỉnh sau đó đã ban hành quy định cấm phát triển nghề này. 

"Nguyên tắc trước khi đóng mới tàu cá là ngư dân phải xin giấy phép đóng mới từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh. Trong trường hợp, những ngư dân đã có mẫu thiết kế trước khi công văn có hiệu lực có thể chuyển đổi sang nghề khác đang được khuyến cáo như nghề câu, nghề vây, nghề chụp và dịch vụ hậu cần," ông Nguyễn Văn Trung cho hay. 

Ông Nguyễn Văn Trung cũng cho biết, nghề lưới kéo ở nhiều địa phương còn gọi là giã cào, cào bay... Đây là nghề khai thác dựa trên nguyên lý “lọc nước lấy cá” và kéo sát đáy vùng nước tầng trên. Đây là nghề mà các nước trong khu vực và Việt Nam đã hạn chế và dần đi tới cấm vì khi khai thác bằng nghề này những sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, đánh bắt hết những gì lưới đi qua. 

Trong những năm vừa qua, nghề lưới kéo phát triển khá mạnh và đã có trên 12.500 chiếc tàu. Nghề này chủ yếu hoạt động ở những vùng có địa hình bằng phẳng, độ sâu dưới 100 m./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục