Bổ sung các loại thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu

12:24' - 25/07/2019
BNEWS Ngày 25/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu.
Cây ngô bị sâu keo mùa thu xâm hại. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN 

Hội nghị nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu, với sự tham gia của gần 200 đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ nông nghiệp của 25 tỉnh phía Bắc.

Xuất hiện vào khoảng tháng 3/2019, sâu keo mùa thu đang bùng phát với tốc độ nhanh chóng ở hầu hết các vùng trồng ngô trên cả nước.

Tính đến nay, cả nước đã có 37 tỉnh, thành phố xuất hiện sâu keo mùa thu với hơn 18.000 ha ngô bị xâm hại.

Đây là loại gây hại mới, chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị với tỷ lệ gây hại lên tới từ 35-65%.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tổng diện ngô vụ Hè Thu năm 2019 theo kế hoạch là 529.187 ha; trong đó, diện tích đã trồng đến ngày 12/7/2019 là 416.228,6 ha, riêng các tỉnh phía Bắc trồng 216.637 ha.

Đến ngày 12/7/2019, tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên ngô Hè Thu cả nước là 15.581,8 ha, nhiễm nặng 2.511,1ha, diện tích phòng trừ 7.227 ha.

Riêng các tỉnh phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra), diện tích nhiễm toàn vùng là 7.053 ha, nặng 382 ha; phân bố ở 13 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Cao Bằng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình gây hại của sâu keo mùa thu khu vực phía Bắc, tổng kết những giải pháp đã triển khai, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng trừ sâu keo mùa thu.

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh phía Bắc, thực tế triển khai thực hiện các biện pháp này còn nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Yên Bái, bà Hoàng Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đến thời điểm 15/7/2019, diện tích gieo trồng ngô vụ Hè Thu ở Yên Bái là 3.089 ha, đạt 37% kế hoạch; trong đó, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu khoảng 500 ha, gây hại chủ yếu là khu vực Văn Chấn, Mù Cang Chải, Yên Bình, Trấn Yên.

Do thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống, ngô sinh trưởng quanh năm tạo điều kiện cho nguồn sâu keo mùa thu lây lan từ vụ trước sang vụ sau.

Hệ thống bảo vệ thực vật cơ sở thay đổi dẫn đến khó khăn trong công tác điều tra phát hiện và chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô.

Theo ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, sâu keo mùa thu có nguy cơ lây lan nhanh, trên diện rộng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt hại nặng ở ngô giai đoạn từ 3 lá đến xoáy nõn.

Nhưng với đặc thù địa hình đồi núi, độ dốc lớn, xa nguồn nước rất khó khăn khi nông dân phun trừ sâu keo mùa thu bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Cùng với đó, bộ thuốc trong danh mục khuyến cáo còn ít nên tại các địa bàn phải tiến hành thử nghiệm để khuyến cáo khiến cho thời gian phòng trừ tại cơ sở bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Để tháo gỡ khó khăn trong phòng, chống sâu keo mùa thu, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh phía Bắc đề xuất, Cục Bảo vệ thực vật sớm bổ sung các loại thuốc có hiệu quả phòng trừ sâu keo mùa thu trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Cùng với đó, ban hành tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết các đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh, các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu; nghiên cứu, tổng kết các giải pháp đã thực hiện, tiếp tục khảo sát, thử nghiệm các biện pháp trong phòng, chống sâu keo mùa thu phù hợp và có hiệu quả…

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống từ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, điều tra phát hiện đến tổ chức phòng trừ.

Theo đó, tập trung tuyên truyền để cán bộ, nông dân về biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế và môi trường; hướng dẫn nông dân phun trừ sâu nơi mật độ cao để hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ngô và giảm nguồn sâu ở các lứa, đợt sau; kịp thời đánh giá mức độ thiệt hại ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây ngô bị hại để hướng dẫn biện pháp chỉ đạo phòng trừ phù hợp, hạn chế phun trừ sâu keo mùa thu bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục