Cả nước có khoảng 15.000 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại

14:58' - 16/07/2019
BNEWS Sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15.000 ha, gây hại nặng một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Nông dân Gia Lai điêu đứng vì ngô bị sâu keo mùa thu tấn công. Ảnh: Dư Toán – TTXVN 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô.

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4/2019. Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho phòng, chống.

Theo báo cáo của các địa phương, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15.000 ha, gây hại nặng một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất ngô do sâu keo mùa thu gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp, cơ quan chuyên môn điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện phòng chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Các địa phương thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng chống loài sâu này cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân. Đồng thời, khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu trên đồng ruộng.

Các địa phương chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc đã được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng.

Các địa phương cũng điều tra, đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với sâu keo mùa thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng thay thế các giống ngô đã bị sâu keo mùa thu gây hại nặng.

Sâu keo mùa thu xuất hiện tại Gia Lai từ giữa tháng 5/2019, đến nay, đã lan rộng và gây nhiễm hơn 4.500/30.000 ha ngô tại 11 huyện, thị xã trong tỉnh. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị chuyên môn ở địa phương tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời sâu keo mùa thu. Cục đánh giá hiệu quả các biện kỹ thuật đã và đang thực hiện, tiếp tục khảo sát, thử nghiệm để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống phù hợp và hiệu quả để hướng dẫn các địa phương và nông dân áp dụng.

Cục Bảo vệ thực vật chủ động trao đổi với FAO, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để tiếp nhận hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống sâu keo mùa thu.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu; đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào áp dụng trong sản xuất.

Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn cho môi trường; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu tuyển chọn giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục