Bộ Tài chính: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong quý cuối năm

15:07' - 22/10/2024
BNEWS Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong tổ chức triển khai, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương.
Trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2024, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đang rất cấp thiết. Theo báo cáo gần đây, giá trị giải ngân tính đến hết quý III mới đạt khoảng 320.566,5 tỷ đồng, tương đương 47,29% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện tại, cả nước vẫn còn cách xa mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2024 là hơn 802.443 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương là gần 677.945 tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn đã phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án gần 733.755 tỷ đồng, đạt hơn 108,2% so với kế hoạch. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, tiến độ giải ngân thực tế lại chậm do nhiều nguyên nhân như cơ chế chính sách còn bất cập, vấn đề giải phóng mặt bằng, và khó khăn trong nguồn cung vật liệu.

 
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa giải ngân đạt yêu cầu. tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt trên 21% vào cuối tháng 8 và 31% vào cuối tháng 9. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đang đối mặt với thách thức tương tự khi tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 40% so với kế hoạch.Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 1006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại đơn vị và địa phương mình quản lý.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong tổ chức triển khai, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Theo Bộ Tài chính, đối với các dự án này, các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tiến độ và chất lượng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết giải ngân đạt từ 95% trở lên, đồng thời sẽ có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, Sở Tài chính cũng sẽ tham mưu các giải pháp đôn đốc thu ngân sách nhà nước và nhanh chóng triển khai các dự án.

Các tỉnh cũng đang tập trung vào việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và giải ngân. Các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa, nhằm đảm bảo các hồ sơ thanh toán được giải quyết kịp thời.

Theo ông Vũ Trọng Cường, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Lào Cai, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn hiện đạt trên 68%. Kho bạc Nhà nước tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp để cải tiến quy trình thanh toán và kiểm soát, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình làm việc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục