Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

07:41' - 17/08/2019
BNEWS Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 17% và 15% thay vì mức 20% như hiện nay.
Một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là một phần đề xuất của Bộ Tài chính đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa được Chính phủ chấp thuận cuối tháng 7 vừa qua.

Các chuyên gia, nhà quản lý và giới doanh nghiệp cho rằng, đề xuất này là giải pháp quản lý tạo sự bình đẳng và minh bạch cho các hộ kinh doanh, đồng thời khuyến khích họ bước qua những ngần ngại, băn khoăn vươn lên thành doanh nghiệp.

Hiện, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Nếu được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2019.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế suất 15% sẽ áp dụng với doanh nghiệp siêu nhỏ, có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.

Thuế suất 17%  sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quy định này nhằm tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên.

Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Bình luận về đề xuất của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn thuế Trọng Tín nhận định, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là giải pháp quản lý tạo sự bình đẳng và minh bạch đối với các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp, đặt ra bài toán phải chuyển đổi ngay gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện có để trở thành doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể là một trong những giải pháp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, thuế thu nhập doanh nghiệp cần điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế suất chung là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Nhiều nước phát triển trên thế giới và trong khu vực đều áp dụng mức thuế cụ thể đối với từng loại hình và quy mô doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường được áp dụng chính sách thuế thu nhập khá ưu đãi, góp phần khuyến khích và tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hơn vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu triển khai tại Việt Nam thì các cơ quan quản lý cần thận trọng bởi nguy cơ sẽ không ít doanh nghiệp "trục lợi" từ chính sách này bằng cách cố tình duy trì quy mô nhỏ và vừa, làm trái với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Được cảnh báo, vẫn còn những kẽ hở của luật để hộ kinh doanh có thể lách qua.

Đơn cử như hộ cá thể dù có hơn 10 lao động nhưng họ chỉ cần khai có 9 lao động là không phải nộp thuế theo hình thức kê khai, chưa kể doanh thu cũng có thể khai thấp hơn.

Theo ông Được, cơ chế để khuyến khích hộ cá nhân tự chuyển lên doanh nghiệp là cần thiết, nhưng cần thắt chặt kẽ hở có thể xảy ra.

Phân tích trên khía cạnh tích cực, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải chỉ là được nộp ít thuế.

Tất nhiên, trong những điều kiện nhất định, việc nộp ít thuế đồng nghĩa với gia tăng lợi nhuận. Tuy vậy, không phải trong mọi trường hợp cứ nộp ít thuế là gia tăng lợi nhuận.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, nhà đầu tư sẽ không duy trì mãi quy mô nhỏ để được hưởng ưu đãi thuế.

Chẳng hạn, nhà đầu tư có lợi nhuận 10 tỷ đồng chỉ phải nộp 1,5 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (với thuế suất 15%), trong khi mọi yếu tố về thị trường, các điều kiện cần thiết khác cho phép tăng quy mô kinh doanh và nếu tăng quy mô kinh doanh có cơ hội kiếm được 100 tỷ đồng trước thuế.

Như vậy, sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%, doanh nghiệp vẫn còn 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thay vì chỉ 8,5 tỷ đồng nếu giữ quy mô nhỏ.

"Cần lưu ý thêm là theo dự án luật thì mức thuế suất này không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên. Do vậy, các doanh nghiệp không thể lách thuế bằng chính sách chia tách hoặc thành lập nhiều doanh nghiệp nhỏ trong một tập đoàn", PGS.TS Lê Xuân Trường nêu quan điểm.

Trong số 700 nghìn doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chí của thế giới gộp chung cả khu vực hộ kinh doanh cá thể thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn lớn hơn nhiều.

Nhiều khảo sát do VCCI tiến hành đã ghi nhận ý kiến của không ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là dù đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 17%, thấp hơn 3% so với các doanh nghiệp cỡ vừa thì việc chuyển đổi lên doanh nghiệp cũng chưa chắc tạo sức thu hút và mối quan tâm của nhiều hộ kinh doanh cá thể.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Nội thất Đỗ Gia cho biết, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chắc chắc là điều mà bất kỳ ai tham gia thị trường, tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh đều mong đợi.

Bởi với mức thuế như hiện nay cũng là một trong những gánh nặng chi phí của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề là mức giảm thuế thu nhập là bao nhiêu cho phù hợp và đủ để đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp mới là quan trọng.

"Cá nhân tôi kỳ vọng mức giảm thấp hơn thế, khoảng 10% sẽ thuận lợi hơn. Bởi ai cũng hiểu doanh nghiệp bước chân ra thương trường là chịu vô vàn sức ép.

Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, cộng thêm áp lực về thủ tục hành chính, chi phí thị trường khiến chúng tôi và rất nhiều doanh nghiệp khó khăn", ông Bình cho biết.

Cũng quan tâm đến thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công Ty TNHH Xây Dựng Phúc Thành cho hay, đây là lĩnh vực gắn chặt với đời sống của doanh nghiệp.

So với những dòng thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu hay thuế tài nguyên..., thuế thu nhập doanh nghiệp thường không gặp phải những vấn đề vướng mắc và cũng ít doanh nghiệp có ý kiến nếu không liên quan tới quy mô và loại hình hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chính sách điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đề xuất của ngành tài chính là rất hợp lòng dân bởi đây có thể sẽ giúp cho doanh nghiệp cân đối lại kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình và cũng là cách góp phần nâng tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp nếu việc giảm thuế được khấu trừ thẳng vào chi phí sản xuất.

Ông Chung bày tỏ tin tưởng, nếu còn ở quy mô hộ kinh doanh cá thể thì không tiến xa hơn trên con đường khởi sự kinh doanh. Nhất là ở thời điểm này, Nhà nước đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Là một trong những hộ kinh doanh tại phố cổ Thủ đô qua nhiều thế hệ, ông Đ.Q.V, đại diện Cửa hàng Tân Thịnh chuyên kinh doanh các mặt hàng bột mỳ, đồ khô tại số 6 phố Chợ Gạo, chia sẻ, so với trước kia, quy mô kinh doanh của cửa hàng hiện đã lớn hơn trước nhiều; lượng khách hàng cũng ngày càng đông và nhu cầu tiêu thụ ổn định.

Cơ sở của ông cũng đã đầu tư thêm khu vực sản xuất, tăng thêm lao động và tích cực cho ra đời nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, cơ sở Tân Thịnh chưa có ý định chuyển đổi lên doanh nghiệp do ngại thực hiện các thủ tục, giấy tờ theo quy định hành chính.

Địa phương và cán bộ thuế, thị trường cũng chưa từng cung cấp thêm thông tin về các lợi ích của việc chuyển đổi lên doanh nghiệp.

"Nhiều khi chỉ tiếp các đoàn kiểm tra, quản lý thị trường hoặc định kỳ cán bộ thuế tới làm việc, kiểm kê sổ sách... cơ sở cũng đã thấy phức tạp.

Nếu lên doanh nghiệp mà đỡ việc bị quản lý, kiểm soát và sách nhiễu thì chắc không chỉ Tân Thịnh mà sẽ còn rất nhiều hộ kinh doanh khác quan tâm và hưởng ứng", ông Đ.Q.V tâm sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục