Bộ Tài chính kiến nghị xử lý trên 13.600 tỷ đồng vi phạm thanh tra

19:05' - 13/10/2017
BNEWS Toàn ngành tài chính đã thực hiện hơn 67.100 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 13.608 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 8.900 tỷ đồng.
Họp báo chuyên đề về kết quả thanh, kiểm tra quý III và 9 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Ngày 13/10, tại cuộc họp báo chuyên đề về kết quả thanh, kiểm tra quý III và 9 tháng đầu năm 2017, ông Trần Huy Trường, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết, 9 tháng qua, toàn ngành tài chính đã thực hiện hơn 67.100 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 13.608 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 8.900 tỷ đồng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, riêng trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra trên 354.000 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế đã xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.597 tỷ đồng.

Về phía hải quan, các đơn vị đã thực hiện 6.272 cuộc kiểm tra sau thông quan và quyết định truy thu gần 1.532 tỷ đồng. Phía hải quan cũng đã chủ trì bắt giữ trên 10.000 vụ vi phạm trong quá trình đấu tranh phòng chống buôn lậu, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 410 tỷ đồng..

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm trong quản lý, thực hiện chính sách chế độ về tài chính, ngân sách. Điển hình tại các địa phương còn tình trạng bố trí vốn ngân sách cho dự án vượt quá thời gian quy định; chưa thực hiện giao dự toán thu ngân sách Nhà nước đối với một số khoản thu thuộc thẩm quyền của địa phương; chưa bố trí phần vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh cho một số dự án được Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định dẫn đến mất cân đối không đảm bảo nguồn chi.

Bên cạnh đó, công tác lập dự toán còn chậm so với thời gian quy định, thiếu báo cáo thuyết minh chi tiết, thiếu nguồn thu và chưa sát với năm trước liền kề; giao dự toán thu phí, lệ phí cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp; điều chỉnh kinh phí một số nhiệm vụ chi không thường xuyên khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; thu một số khoản phí và lệ phí cao hơn mức quy định…

Trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm như: lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác; lập, phê duyệt dự toán chưa chính xác dẫn tới giá trúng thầu phải giảm trừ khối lượng; phê duyệt quyết toán, thanh toán không đúng; nghiệm thu thanh toán tăng không đúng...

Theo ông Trần Huy Trường, trong quản lý tài chính tại các doanh nghiệp còn tình trạng xây dựng phương án tăng vốn điều lệ không đúng với nhu cầu vốn thực tế; hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập khác, không đúng lợi nhuận...

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được phê duyệt; bố trí lực lượng dự phòng khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra đột xuất; các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra.

Cùng với đó, chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra. Tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và sát với định hướng, yêu cầu quản lý của ngành./.

>> Tổng cục Hải quan triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục