Bộ Tài chính lấy ý kiến về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

17:20' - 03/03/2022
BNEWS Ngày 3/3, Bộ Tài chính đã có công văn về việc lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

 

Ngày 3/3, Bộ Tài chính đã có công văn số 2068/BTC/CST gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về việc lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan trên nghiên cứu, có ý kiến tham gia và gửi về Bộ Tài chính trong tháng 3/2022.

Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể giảm 1.000 đồng/lít xăng (trừ etanol), từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít.

Cùng với đó, mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg; nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/01/2023 thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Tài cho biết, từ cuối năm 2021 và trong những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao. Cụ thể, kể từ tháng 12 đến nay, giá dầu thô WTI bình quân đã tăng 63,6%, mức thấp nhất là 65,44 USD/thùng vào ngày 1/12/2021 và đạt mức cao nhất là 107,12 USD/thùng vào ngày 2/3/2022 (lấy theo giá mở cửa). Đối với dầu Brent, mức giá bình quân từ tháng 12/2021 đến nay tăng 54,4%, từ mức thấp nhất là 69,53 USD/thùng vào ngày 01/12/2021 và chạm mức cao nhất là 107,34 USD/thùng vào ngày 02/3/2022 (lấy theo giá mở cửa).

Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân của sự biến động tăng giá dầu thô trên thị trường thế giới trong thời gian qua là do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh khi các nước thực hiện mở cửa trở lại để phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19. Ngoài ra, tình hình bất ổn chính trị thế giới do căng thẳng giữa Nga và Phương Tây, cũng như căng thẳng Nga - Ukraine cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thô trên thế giới tiếp tục tăng cao.

Dự báo về diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới năm 2022, Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhiều cơ quan năng lượng quốc tế đều cho rằng nhu cầu xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung dầu, các vấn đề từ sự cố đường ống như tại Ecuador, hay việc các thành viên OPEC tiếp tục sản xuất thiếu dầu so với hạn ngạch đề ra do các bất ổn nội bộ, đều tạo động lực khiến giá dầu thô tăng mạnh, hay căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Cùng với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam trong năm 2021 cũng đã có 24 đợt điều chỉnh. Bước sang năm 2022, với việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.

 

Theo đó, tính từ đầu năm đến nay (ngày 02/3/2022), giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 5 lần và đều tăng liên tục, trong đó, tại lần điều chỉnh gần đây nhất ngày 1/3, giá xăng E5RON92 là 26.077 đồng/lít; xăng RON95 là 26.834 đồng/lít; dầu diesel là 21.310 đồng/lít... Với việc điều chỉnh tăng giá như vậy, giá xăng RON95 và xăng RON92 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5RON92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON95 có giá 26.140 đồng/lít).

Việc giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao, Bộ Tài chính cho rằng sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có xăng dầu. Theo Tổng cục Thống kê chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Hiện các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm khoảng từ 5% đến 8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, trong đó, tại điểm 2 Công điện số 160/CĐ-TTg đã giao “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục