Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo gánh nặng tài chính đè nặng các hộ gia đình

20:28' - 03/10/2023
BNEWS Biến đổi khí hậu có thể gây ra "chi phí tài chính đáng kể" đối với các hộ gia đình của Mỹ trong những năm tới. Đây là báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong báo cáo mới đây.

Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, các thảm họa tự nhiên và khí hậu đã gây thiệt hại về kinh tế lên đến mức cao kỷ lục hơn 617 tỷ USD.

 

Năm ngoái, khoảng 13% số người dân Mỹ cho biết gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai và thời tiết cực đoan. Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các tổ chức tài chính, ông Graham Steele nêu rõ: "Các trận lũ lụt, cháy rừng nghiêm trọng và nắng nóng cực đoan đang gây ra gánh nặng tài chính đáng kể đối với các hộ gia đình trên khắp đất nước".

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra những rủi ro tài chính lớn nhất do tình trạng ấm lên của Trái Đất. Theo đó, cháy rừng và lũ lụt có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khiến chủ lao động phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc sa thải. Điều này dẫn tới việc người lao động không có thu nhập trong một khoảng thời gian, thậm chí còn không được hưởng phúc lợi, trong đó có bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, các mối nguy hiểm như cháy rừng hoặc nắng nóng có thể tác động đến số lượng việc làm trong một số ngành nhất định, dẫn tới thất nghiệp kéo dài.

Cụ thể, những lao động trong nông nghiệp, xây dựng, sản xuất hay du lịch chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Các lao động ngoài trời, vốn dành hơn 75% thời gian làm việc bên ngoài và chiếm khoảng 20% lực lượng lao động dân sự, là nhóm có nguy cơ lớn nhất bị gián đoạn việc làm và tiền lương.

Theo thống kê của công ty phân tích bất động sản toàn cầu CoreLogic, các trận thiên tai trong năm 2021 ảnh hưởng đến 10% số nhà tại Mỹ, gây thiệt hại hơn 56 tỷ USD.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các gia đình không thể nhanh chóng sửa chữa nhà cửa sau thiên tai có thể chứng kiến bất động sản giảm giá.

Chẳng hạn, cơn bão Katrina hồi năm 2005 đã phá hủy khoảng 70% số nhà tại bang Louisiana. Gần 20% trong số này vẫn chưa được sửa chữa sau 5 năm và 8% là không thể ở được. Nhiều gia đình đã phải sơ tán do biến đổi khí hậu, kéo theo chi phí tái định cư.

Trong khi đó, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến giá của một số sản phẩm tăng vọt. Hạn hán, lũ lụt và nhiệt độ cực đoan gây ra tình trạng thiếu lương thực, quá trình vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ.

Bộ Tài chính cho rằng nếu các mối đe dọa liên quan đến khí hậu làm tăng giá lương thực, thêm nhiều hộ gia đình có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Chưa kể, biến đổi khí hậu khiến hóa đơn tiền điện và chi phí khám sức khỏe của người dân tăng. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ lấy dẫn chứng một phân tích trong năm 2012 cho thấy chi phí thăm khám sức khỏe lên tới 10 tỷ USD khi xảy ra 10 thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục